Chia sẻ tại diễn đàn “Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam - Nhật Bản năm 2023” ngày 5/4 tại Hà Nội, ông Shishido Kenichi - cố vấn đặc biệt của chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) - cho biết sau 50 năm, Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược toàn diện trên nhiều lĩnh vực, không chỉ ở cấp độ chính phủ mà cả người dân.
“Trong bối cảnh đó, rất nhiều bạn trẻ ưu tú của Việt Nam đến Nhật Bản với tư cách thực tập sinh để học hỏi và tiếp cận công nghệ kĩ thuật. Những thực tập sinh này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Nhật Bản”, ông nói.
Đồng quan điểm, ông Ishii Chikahisa - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - cũng nhấn mạnh hiện nay, số lượng người Việt đang sinh sống tại Nhật ngày càng tăng.
“Người Việt đã trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản. Người lao động Việt Nam được đánh giá rất cao về tính cần cù, chăm chỉ và nhiệt huyết trong công việc. Đây là cộng đồng quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản hiện nay”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, các quan chức cũng chỉ ra rằng hoạt động giao lưu phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước vẫn còn một số vướng mắc, chẳng hạn nhiều lao động Việt phải trả khoản phí rất lớn trước khi sang Nhật.
“Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam gần đây phát triển mạnh khiến xu hướng làm việc của giới trẻ thay đổi đáng kể. Do đó, Tokyo cần nỗ lực thu hút để lao động trẻ Việt Nam coi việc đến Nhật Bản là một quyết định đúng đắn”, ông Chikahisa nhận định.
Nguồn lực "cứu tinh" cho Nhật Bản
Theo bà Ingrid Christensen - Giám đốc ILO Việt Nam, Nhật Bản là một trong những điểm đến rất hấp dẫn với người lao động Việt.
“Lao động Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn - khoảng 25% tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Họ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của cả hai nước. Trong đó, Việt Nam được hưởng lợi thông qua trao đổi kỹ năng lao động và nguồn kiều hối”, bà cho hay.
Trong hơn 30 năm qua, khoảng 350.000 thanh niên Việt Nam đã tới Nhật Bản tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng. Theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (DOLAB), số thực tập sinh Việt Nam sang Nhật tăng gấp 8 lần trong giai đoạn 2013-2019 (trước đại dịch Covid-19).
“Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm và số lượng người đang thực tập”, ông nói.
Việt Nam hiện có hơn 200.000 thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại nước này.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản (JIFA), “trong khi lao động của Nhật sụt giảm, nguồn lao động từ các nước châu Á là cứu tinh” cho Tokyo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những điểm bất cập trong hoạt động trao đổi nhân lực giữa hai nước.
Bà Christensen dẫn chứng nghiên cứu mới của Tổng cục Thống kê Việt Nam và ILO cho thấy trên thực tế, lao động Việt Nam phải trả 192 triệu VNĐ để nhận công việc đầu tiên tại Nhật Bản.
“Điều này mâu thuẫn với các tiêu chuẩn quốc tế về di cư lao động, quy định không tính phí tuyển dụng hoặc các chi phí liên quan mà người lao động hay người tìm việc phải chịu. Kết quả nghiên cứu của ILO cũng nhiều lần tiết lộ việc trả phí tuyển dụng làm tăng nguy cơ vướng vào nạn lao động cưỡng bức”, giám đốc ILO Việt Nam cho biết.
Bà nhấn mạnh nhóm lao động này phải trả nợ trong vài tháng hay thậm chí vài năm và không thể bỏ việc dù điều kiện lao động không phù hợp, vì gánh nặng nợ.
Đồng quan điểm, bà Ikeda Setsuko, chủ tịch JIFA, cho biết các thực tập sinh kĩ năng Việt Nam phải gánh khoản nợ rất lớn khi sang Nhật. “Họ phải vay nhiều tiền để trả khoản phí môi giới và dịch vụ cho bên trung gian, đặc biệt là ở tỉnh Hà Tĩnh. Khoản vay này thường có lãi suất rất cao”, bà nói.
Chi phí mà người lao động Việt Nam phải trả cho tổ chức phái cử/trung gian trước khi đến Nhật Bản là 668.143 yen (tương đương 119 triệu VNĐ), cao nhất trong số 4 nước (Trung Quốc 591.777 yen, Indonexia 235.343 yen và Philippnine 94.191 yen), theo JIFA.
Nỗ lực xóa gánh nặng nợ
Song cả Nhật Bản và Việt Nam đã nỗ lực bảo vệ quyền của người lao động di cư, tiến tới loại bỏ phí tuyển dụng và các chi phí liên quan đối với nhóm lao động này.
“Năm 1999, Nhật Bản đã phê chuẩn công ước C181 của ILO, quy định các cơ quan tuyển dụng tư nhân không được tính trực tiếp hoặc gián tiếp, toàn bộ hoặc một phần, bất kỳ khoản phí nào đối với người lao động”, bà Christensen nói.
Vào tháng 3/2020, chính phủ Việt Nam cũng thông qua quyết định số 402 về việc thực hiện Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư. Quyết định nêu rõ trong giai đoạn 2020-2030, chính phủ sẽ phê chuẩn một số công ước bảo vệ quyền của người lao động.
Gần đây hơn, các văn bản pháp lý sửa đổi năm 2020 đã cải thiện biện pháp bảo vệ lao động Việt ở nước ngoài, bao gồm việc chuyển sang mô hình tuyển dụng không thu phí, các quy định về phân biệt đối xử và lao động cưỡng bức.
Trong thời gian tới, bà Ingrid Chriestensen cho rằng Việt Nam và Nhật Bản cần nỗ lực xóa bỏ chi phí phải trả liên quan đến hợp tác lao động.
JICA cũng đề xuất giải pháp hiện thực hóa “Tuyển dụng chuẩn quốc tế” - người lao động không phải trả chi phí. Theo đó, các công ty tư nhân cải thiện môi trường tiếp nhận, chi trả chi phí dịch vụ, các doanh nghiệp dịch vụ không để môi giới can thiệp vào quá trình tuyển dụng và tuân thủ quy định pháp luật.
Song ông Nguyễn Viết Hương cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở chi phí ban đầu.
Ông dẫn chứng ở thị trường Malaysia, nhiều doanh nghiệp không yêu cầu người lao động trả bất cứ chi phí nào nhưng vẫn không thu hút được nhân lực. Do đó, vấn đề nằm ở điều kiện làm việc, thu nhập và chế độ đãi ngộ.
“Việc giảm phí sẽ tạo điều kiện cho một số trường hợp có mong muốn nhưng gặp khó khăn về kinh tế, song không thể kỳ vọng số người lao động sẽ tăng gấp nhiều lần”, ông nói thêm.
Ông cũng nhấn mạnh để triển khai dự án tuyển dụng lao động không thu phí, cần lựa chọn các doanh nghiệp đủ khả năng trả chi phí phái cử và xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả, tránh tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp có thỏa thuận ngầm, dẫn đến triển khai không thực chất và kém hiệu quả.