VN-Index có tới 2 nhịp lao xuống dưới tham chiếu trong phiên chiều nay nhưng cuối cùng vẫn đóng cửa tăng 2,95 điểm tương đương +0,25%. Chỉ riêng VCB tăng 1,94% cũng đã cộng tới gần 2,4 điểm. Dù hầu hết các cổ phiếu ngân hàng blue-chips đều tăng mạnh nhưng điểm số của VN-Index cũng không thể mạnh được, vì phải “gánh” quá nhiều cổ phiếu khác giảm.
Độ rộng của VN-Index lúc đóng cửa chỉ còn 195 mã tăng/309 mã giảm. Mặt bằng giá cổ phiếu đã hạ xuống thấp đáng kể so với thời điểm chốt phiên sáng dù chỉ số không thay đổi nhiều. Cụ thể, chốt phiên sáng VN-Index chỉ có 80 cổ phiếu giảm hơn 1% so với tham chiếu. Lúc đóng cửa con số này vọt lên 122. Thêm nữa, độ rộng buổi sáng chỉ có 193 mã tăng/253 mã giảm.
Tính đến hết phiên, tổng giá trị khớp lệnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE đạt khoảng 5.890 tỷ đồng, chiếm 30,2% tổng khớp của sàn này. Xét về giá trị tuyệt đối, con số này vẫn thấp hơn hôm 4/1 vừa qua (6.905 tỷ đồng) nhưng tỷ trọng lại cao hơn (28,4%). Đó là do hôm nay dòng tiền tập trung quá mức vào nhóm ngân hàng trong khi lại chững lại hoặc sụt giảm ở các nhóm khác. Cụ thể, tổng giá trị khớp sàn HoSE cả phiên tăng 16% so với hôm qua, đạt khoảng 19.503 tỷ đồng. Mức tăng tuyệt đối đạt 2.625 tỷ đồng thì riêng nhóm ngân hàng đã tăng 2.214 tỷ đồng.
Với mức thanh khoản dâng cao ở các cổ phiếu ngân hàng, hẳn phải có áp lực bán ra rất lớn. Do đó khả năng giữ giá ở nhóm này quyết định diễn biến thị trường. VCB đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên nhờ cú giật giá đợt ATC thành tăng 1,94%. BID cũng nhờ nhịp nảy cuối phiên mới tăng 2,93%, dù vẫn phải lùi lại 0,84% so với mức đỉnh. CTG đợt ATC cũng leo lên sát đỉnh của phiên, tăng 3,33%... Đó là những mã ngân hàng hàng đầu, vừa thuộc nhóm vốn hóa lớn nhất, vừa có biên độ giá mạnh nhất.
So với giá chốt buổi sáng, đại đa số cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 đều tăng cao hơn, trong khi phần lớn các mã còn lại tụt giá. Điều này càng chứng tỏ vai trò mang tính quyết định của cổ phiếu ngân hàng cuối phiên.
Các trụ khác như VNM tụt sâu thêm buổi chiều khoảng 0,59% so với phiên sáng, đóng cửa giảm 0,88%, VIC tụt 0,34% thành giảm 0,68%, HPG giảm 1,26%, FPT giảm 1,97%, GAS giảm 0,53% đều là các trụ thuộc top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường. VN30-Index đóng cửa vẫn tăng 0,21% dĩ nhiên cũng hoàn toàn do ngân hàng kéo lên, độ rộng cân bằng 15 mã tăng/15 mã giảm. Rổ này chỉ có 4 mã giảm hơn 1% là MWG, HPG, SAB và FPT.
Điều bất ngờ là mức độ tổn thương lại khá “nặng” ở các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong 122 cổ phiếu giảm trên 1% hàng loạt cổ phiếu xuất hiện lực xả cực lớn: DIG giảm 2,19% thanh khoản tới 628,3 tỷ đồng; VND giảm 1,81% giao dịch 627,9 tỷ; PDR giảm 2,1% với 404,4 tỷ; DGC giảm 1,49% với 359,1 tỷ; GEX giảm 1,34% với 344,9 tỷ; KBC giảm 1,86% với 336,5 tỷ; CII giảm 1,89% với 332,2 tỷ; VIX giảm 1,47% với 314,3 tỷ… Tính chung nhóm giảm trên 1% có tới 23 mã thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên và thanh khoản chiếm 42,3% tổng khớp sàn HoSE. Đây là mức tổn thương lớn và điểm số tăng cùng với nhóm ngân hàng không có nhiều ý nghĩa khi nhà đầu tư thiệt hại khá nặng.
Ở phía tăng, ngoài nhóm ngân hàng, không nhiều cổ phiếu gây ấn tượng. Vài mã thanh khoản đáng chú ý là DBC tăng 2,13% giao dịch 253,3 tỷ đồng; HAH tăng 1,55% với 183,7 tỷ; PVT tăng 1,36% với 130,3 tỷ; PNJ tăng 1,64% với 129,2 tỷ. Ngoài ra khớp loanh quanh 20 tỷ đồng có các đại diện NT2, TCD, BVH, RDP, CSV, SJS…
Tính riêng phiên chiều, thanh khoản hai sàn niêm yết tăng gần 29% so với buổi sáng, đạt 11.992 tỷ đồng. Tính chung cả ngày, tổng khớp đạt 21.293 tỷ đồng, tăng khoảng 15%. Như đã nói ở trên, mức thanh khoản tăng này dồn quá nhiều vào cổ phiếu ngân hàng trong khi các nhóm khác không có thay đổi lớn.