Anh Nguyễn Văn Tú, một chuyên viên tín dụng tại ngân hàng L. cho biết, anh đã nộp đơn xin nghỉ việc ở ngân hàng cách đây 3 tháng song hồ sơ không được giải quyết vì khách hàng do anh phát triển đã bị chuyển sang nợ xấu. Anh có trách nhiệm phải thu hồi được khoản nợ này trước khi được chấp thuận nghỉ việc.
“Vừa qua, tôi nộp đơn xin nghỉ việc, song không được duyệt vì khách hàng bị vướng nợ xấu. Bộ phận nhân sự yêu cầu tôi ở lại đảm bảo đến khi khách hàng hoàn thành đủ và đúng hạn mọi nghĩa vụ nợ. Trên thực tế, do dư nợ khách hàng tại một ngân hàng khác chuyển nợ xấu, nên kéo theo món vay ở chi nhánh bị ‘nhảy nhóm’, gọi là nợ xấu kéo theo. Dư nợ của khách hàng ở chi nhánh cũng không quá lớn chỉ khoản 20 triệu. Tôi có tham khảo nhiều đồng nghiệp đã nghỉ việc, tất cả đều nói rằng chỉ cần nộp đơn thôi việc và bàn giao trong vòng 30 ngày là có thể được nghỉ. Tuy nhiên, đến nay đã là 3 tháng và hồ sơ của tôi vẫn chưa được chấp thuận”, anh Tú chia sẻ.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Hữu Thịnh, chuyên viên phát triển tín dụng ở ngân hàng A. cho biết, anh đã nộp đơn xin nghỉ việc được khoảng 2 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt do khách hàng chuyển nợ xấu. Trong thời gian ở lại, anh cũng không được phát triển thêm dư nợ do không đáp ứng được tỷ lệ khách hàng có nợ xấu.
“Theo quy định của ngân hàng, sau khi nộp đơn xin thôi việc, mỗi nhân sự sẽ có 14 ngày để bàn giao và sau đó có thể nghỉ việc. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng, tôi vẫn chưa được nhận quyết định nghỉ việc do khách hàng chuyển nợ xấu. Mặt khác, tôi muốn tranh thủ tìm thêm khách vay cũng không được, vì tỷ lệ dư nợ bị chuyển sang nhóm 2 và nhóm 3 trên tổng dư nợ do tôi phát triển đã vượt quá mức 10% quy định. Nếu xem lại thỏa thuận công việc ban đầu, trách nhiệm của tôi chỉ có việc phát triển dư nợ. Việc thu hồi và xử lý nợ xấu là của một bộ phận khác”, anh Thịnh chia sẻ.
Ở góc nhìn của chuyên gia tư vấn, đào tạo và tuyển dụng nhân sự, ông Vũ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Key Person, cho rằng vừa qua do áp lực từ đầu năm, tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất tăng cao đã khiến cho không ít người đi vay không đảm bảo được thời hạn trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán các khoản tín dụng. Báo cáo tài chính quý I/2023 cũng đã cho thấy nợ xấu tại các nhà băng lại tiếp tục tăng lên. Trên cơ sở đó, ngân hàng đã phải thắt chặt hoạt động cấp tín dụng. Các nhân sự trong ngành được yêu cầu thận trọng hơn trong việc cho vay. Song song với đó, công tác thu hồi nợ đã được đẩy mạnh.
Điều này đã làm cho không ít nhân sự thuộc mảng tín dụng và thu hồi nợ chịu thêm áp lực. Với riêng nhóm thu hồi nợ của ngân hàng, thời gian vừa qua các nhân sự thuộc bộ phận này còn phải chịu thêm những ánh nhìn không tốt từ phía xã hội, khi nhiều vụ việc không hay về hoạt động thu hồi nợ đã liên tiếp xảy ra. Do đó, một số người lao động thuộc 2 nhóm này đã quyết định thôi việc.
Tuy nhiên, những nhân sự này lại bị rơi vào cảnh ở lại không được, nghỉ việc cũng không xong. Điều này, chủ yếu do các ngân hàng chưa có sự chuyên môn hóa và tách bạch quyền hạn cũng như trách nhiệm của các bộ phận. Ví dụ tại nhiều ngân hàng, nhân viên tín dụng phải kiêm nhiệm chức năng của chuyên viên thẩm định và thu hồi nợ. Do đó, dù có nguyện vọng nghỉ việc, song các nhân sự này vẫn chưa thể thôi việc do phải xử lý các phát sinh do quá trình cấp tín dụng.
“Theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động chỉ cần báo trước từ 30-45 ngày và tiến hành bàn giao trong khoản thời gian này là có thể nghỉ việc. Tuy nhiên, hiện tại các ngân hàng có thể kiểm tra và đối chứng chéo hồ sơ của ứng viên khi ứng tuyển. Do đó, nếu trong quá trình hoạt động ở đơn vị cũ tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ khách hàng của ứng viên đã phát triển ở mức cao, hồ sơ của nhân sự này có thể sẽ để lại ấn tượng không tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Thông thường, các nhân sự thuộc khối tín dụng cũng rất hợp tác, sẵn sàng ở lại lâu hơn để giải quyết các vấn đề này”, ông Dũng chia sẻ.
Chuyên gia nói thêm, việc chồng chéo đảm nhiệm nhiều công việc (như vừa phát triển khách hàng vừa thẩm định, thu hồi nợ) khiến cho người lao động không được chuyên môn hóa, không vững nghiệp vụ và đặc biệt không rõ các quy trình, quy định pháp luật liên quan. Điều này dẫn đến nhiều việc không hay trong việc phục vụ khách hàng, đặc biệt là ở khâu thu hồi nợ. Từ đó, hiệu quả hoạt động của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
“Trên cơ sở đó, tôi cho rằng các ngân hàng nên tách bạch và chuyên môn hóa nhiệm vụ của các bộ phận, tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên. Giai đoạn khó khăn như hiện tại, không ít nhà băng lựa chọn cắt giảm ngân sách đào tạo. Tuy nhiên, quan điểm của là tôi hành động này không phù hợp, vì khi khó khăn càng phải rèn luyện đội ngũ, để chuẩn bị cùng vượt qua khó khăn và có thể bứt phá khi bối cảnh kinh tế tích cực hơn. Bản thân các banker cũng nên chủ động rèn luyện bản thân, tìm hiểu thêm các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ có liên quan nhiều hơn”, ông Dũng khuyến nghị.