Đầu tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% từ ngày 17/10 . Đây là lần điều chỉnh biên độ đầu tiên của Nhà điều hành sau 7 năm.
Cùng với đó, NHNN tăng mạnh giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 23.925 VND lên 24.380 VND, tương đương mức tăng tới 455 đồng - mức điều chỉnh mạnh nhất của Nhà điều hành trong nhiều năm qua.
Đây là lần thứ 5 trong năm 2022 NHNN thực hiện nâng giá bán USD và là lần thứ 3 trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây. Tựu chung từ đầu năm, giá bán USD từ Sở Giao dịch NHNN đã tăng tổng cộng tới 1.230 VND, tương đương mức tăng 5,3%.
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Maybank (MBKE) nhận định sự kết hợp của bán ngoại hối dự trữ; tăng lãi suất và giảm giá VND có kiểm soát có thể giúp Việt Nam đạt được môi trường vĩ mô ổn định.
Theo đánh giá của chuyên gia MBKE, NHNN sẽ duy trì lãi suất cho đến hết năm 2022, do việc nới rộng biên độ tỷ giá làm giảm sự cần thiết phải tăng lãi suất trong thời gian ngắn hạn để ngăn chặn áp lực tỷ giá.
Tương tự, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, trong ngắn hạn, sự điều chỉnh của NHNN là cần thiết khi tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài khi FED thực hiện tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12, kết hợp với yếu tố nội tại, khi nguồn cung ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý 4 (xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại). Trong khi đó, biện pháp can thiệp từ NHNN sẽ khá hạn chế, khi dự trữ ngoại hối không còn quá dồi dào và nếu tăng lãi suất quá mạnh cũng sẽ tác động lớn đến trạng thái ổn định của nền kinh tế, vốn đang ở vị thế khá khó khăn.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá việc điều chỉnh biên độ tỷ giá VND, và đẩy mức mất giá của VND ở thời điểm hiện nay vẫn đang cho thấy sự chủ động của NHNN.
Theo đó, mức mất giá của VND để hỗ trợ sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc đưa biên độ lên +/-5% có thể giúp gỡ bỏ kỳ vọng mất giá mạnh của VND, khi NHNN cho thấy quan điểm sẵn sàng điều chỉnh tỷ giá sát với diễn biến thị trường.
Ngoài ra, chấp nhận mức giá cao hơn của VND để gỡ bỏ bớt kỳ vọng tăng lãi suất nhằm hỗ trợ tiền đồng của các nhà đầu tư. Đồng thời, việc VND mất giá thêm có thể giảm bớt sức ép bán USD để duy trì lượng dự trữ ngoại hối của NHNN.
Hơn nữa, đẩy VND mất giá thêm trong năm 2022 có thể giúp NHNN thêm dư địa chính sách trong năm 2023, khi Việt Nam vẫn bị Bộ Tài chính Mỹ cho rằng NHNN thao túng tỷ giá (định giá thấp VND) để hỗ trợ xuất khẩu, do vậy việc để VND mất giá thêm trong năm nay sẽ tránh được sự quan ngại của BTC Mỹ.
Còn theo Chứng khoán KB, trong 9 tháng đầu năm, mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là bình ổn lạm phát nên NHNN đã nỗ lực kiểm soát tỷ giá nhằm hạn chế hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên để làm được điều này, trên thực tế, NHNN đã phải bán một lượng lớn USD ra hệ thống NHTM, ước tính vào khoảng 24 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của thị trường.
Việc này khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm mạnh xuống dưới mức tiêu chuẩn - 12 tuần nhập khẩu (theo khuyến nghị của IMF) và dư địa chính sách đã dần bị hạn chế hơn trước. Chính vì vậy, NHNN nới rộng biên độ tỷ giá lần này phần nhiều mang tính chất can thiệp kĩ thuật, từ đó có thể kết hợp nâng tỷ giá bán USD để phù hợp hơn với diễn biến thực tế.
Dự báo thời gian tới, KBSV cho rằng do khả năng can thiệp của NHNN đã phần nào bị hạn chế nên diễn biến của tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đồng USD trên thị trường thế giới, được thể hiện qua chỉ số Dollar Index.