Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung để triển khai kế hoạch áp giá trần lên dầu Nga. Theo đó, khối này có thể sẽ tạm hoãn kế hoạch này cho tới khi thống nhất được một gói trừng phạt lớn hơn, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Theo các nguồn tin thân cận của Bloomberg, Cyprus và Hungary là hai quốc gia phản đối đề xuất giá trần này. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của EU buộc phải có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.
Cuối tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã có cuộc họp với đại diện các nước thành viên để cố gắng đạt được sự thỏa hiệp về biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tại đây, các nước được cho là đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ trước cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo EU tại Praha vào ngày 6/10 tới.
EU đang cố gắng đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước ký sắc lệnh động viên một phần lực lượng dự bị trong nước để huy động binh lính cho cuộc chiến ở Ukraine. Moscow cũng bắt đầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập với Nga ở các tỉnh ly khai của Ukraine - động thái bị Liên hợp quốc (EU) lên án mạnh mẽ.
Bên cạnh gói trừng phạt dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12 tới, bao gồm cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường biển, EU cũng đang thảo luận các biện pháp trừng phạt khác, bao gồm kiểm soát nhập khẩu kim cương và cấm nhập khẩu một số sản phẩm thép từ Nga.
Cũng theo nguồn tin của Bloomberg, 27 quốc gia thành viên EU gần như ủng hộ đề xuất hạn chế xuất khẩu các linh kiện điện tử dùng trong vũ khí sang Nga. Theo EU, việc hạn chế hơn nữa khả năng Nga tiếp cận các linh kiện điện tử dùng trong vũ khí là một trong những công cụ hiệu quả nhất để “tấn công” quân đội Nga, đặc biệt là khi Moscow đang cần thêm vũ khí cho khoảng 300.000 binh sĩ mà Chính phủ đang muốn huy động.
Cùng với EU, Mỹ cũng đang nỗ lực thúc đẩy áp đặt giá trần lên dầu Nga nhằm đảm bảo giá mặt hàng này không tăng quá cao, đồng thời hạn chế nguồn thu của Moscow từ việc bán năng lượng. Đầu tháng này, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã đạt được một thỏa thuận về kế hoạch này và đang triển khai các công việc tiếp theo để thực thi kế hoạch.
Các quốc gia G7, gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada, cùng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận các chi tiết của kế hoạch này. G7 muốn đưa thêm nhiều quốc gia vào liên minh áp giá trần lên dầu Nga, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, trong bối cảnh 2 quốc gia châu Á đang đẩy mạnh gom dầu giá rẻ từ Nga kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra. Moscow đến nay vẫn duy trì được nguồn thu từ dầu mỏ nhờ việc tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Hiện tại, các thông tin chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được công bố, bao gồm mức giá trần sẽ được áp dụng. Theo Công ty nghiên cứu độc lập ClearView Energy Partners, có trụ sở tại Washington (Mỹ), các quan chức đang thảo luận về khoảng giá trần 40-60 USD đối với dầu thô Nga. Các nhà phân tích của ClearView nhận định ngưỡng trên của khoảng giá này phù hợp với giá dầu thô Nga trong lịch sử, còn ngưỡng dưới gần với chi phí sản xuất cận biên của Nga.
Hồi tháng 6, 27 nước thành viên EU đã dành nhiều tuần để thỏa luận về các điều khoản liên quan tới lệnh cấm nhập khẩu xăng dầu Nga, miễn trừ dầu nhập khẩu qua đường ống, cấm cung cấp các dịch vụ hàng hải đối với dầu Nga... Trong khi đó, Mỹ kêu gọi nới lỏng các lệnh cấm này vì lo ngại rằng chúng có thể khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt.
Hiện vẫn chưa rõ cơ chế áp giá trần trên sẽ hiệu quả ra sao, đặc biệt là khi một số khách hàng lớn nhất của dầu Nga như Trung Quốc và Ấn Độ, không đồng ý tham gia. Tuy vậy, các quan chức Mỹ cho rằng giá trần sẽ vẫn hiệu quả kể cả khi nhiều nước không chính thức tham gia, bởi các nước này vẫn có thể lợi dụng giá trần để đàm phán mức giá rẻ hơn với phía Nga.