Nói đến vị trí lãnh đạo, nhiều người nhanh chóng liệt kê hàng loạt ưu thế. Chẳng hạn, quản lý được hưởng mức lương thưởng cao, có quyền tác động hoặc thay đổi hoàn toàn văn hóa, quy định tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng và sự nổi tiếng của người điều hành cũng là yếu tố khiến đám đông ao ước. Tuy nhiên, nhóm quản lý luôn có nhiều nỗi khổ tâm khó chia sẻ.
Ở vị trí “đứng mũi chịu sào”, họ luôn phải trong trạng thái sẵn sàng để xử lý sự cố phát sinh của nội bộ và bên ngoài nhóm làm việc. Dưới cường độ lao động căng thẳng, lãnh đạo thường cố chịu đựng áp lực trong thời gian dài.
Điều này gây hại đến sức khỏe tinh thần và thể chất, cũng như đảo lộn trật tự đời sống riêng.
Dưới đây là một số áp lực điển hình khi làm quản lý và cách giúp họ giảm bớt áp lực khi điều hành con người và doanh nghiệp, theo Business.
-----------------
Sa thải nhân viên
Không ít quản lý thừa nhận từng sa thải ít nhất một nhân viên chỉ sau thời gian ngắn lên chức.
Có nhiều lý do dẫn đến quyết định này, như tái cơ cấu tổ chức, doanh nghiệp gặp rắc rối về tài chính hoặc thái độ làm việc, năng suất của người đó không đạt mức yêu cầu.
Trong một số trường hợp, bạn buộc phải đuổi việc nhân viên xuất sắc hay bạn bè thân thiết, cắt nguồn thu nhập và tổn hại đến lòng tự trọng của họ,
Quyết định sa thải luôn dễ dàng hơn nếu cấp dưới có hành vi sai trái nghiêm trọng, chẳng hạn như trộm cắp, quấy rối hay tiết lộ bí mật kinh doanh.
Tuy nhiên, bạn vẫn có khả năng gặp căng thẳng khi phải đưa ra quyết định này vì cảm giác tội lỗi. Thậm chí, dù biết rõ mình không mắc sai lầm, nhiều quản lý vẫn dằn vặt, tự nghi ngờ kỹ năng lãnh đạo.
-----------------
Tuyển dụng, đào tạo
Sau khi lên chức, bạn có thể xây dựng nhóm hoạt động tùy theo định hướng và văn hóa doanh nghiệp.
Song, tuyển dụng chưa bao giờ là quá trình đơn giản. Bạn có thể nhận được 100 hồ sơ mà chẳng có ứng viên nào đáp ứng toàn bộ yêu cầu.
Mặt khác, quản lý có thể “trắng tay” nếu không đưa ra gói phúc lợi hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh nhân tài với công ty đối thủ.
Lúc này, tỷ lệ cao bạn phải chấp nhận thỏa hiệp, điều chỉnh lại tiêu chuẩn một chút để phù hợp với tình hình thực tế.
Thay vì cần sự hoàn hảo, bạn có thể tuyển những người triển vọng và dành nhiều thời gian huấn luyện họ. Thực tế, quá trình đào tạo nhân sự cũng gây khó cho nhóm điều hành vì tốn nhiều thời gian và công sức.
Họ dễ gặp áp lực tâm lý nặng nề nếu không đạt kết quả như kỳ vọng trong giới hạn thời gian thống nhất trước đó.
-----------------
Luôn phải chịu trách nhiệm
Ở vị trí quản lý, bạn phải quyết định mọi thứ liên quan đến công việc của tập thể.
Vì thế, khi tình hình tệ đi, người dẫn dắt cũng phải gánh chịu trách nhiệm chứ không thể quy về cho bất kỳ cá nhân nào khác.
Theo kinh nghiệm của Ron Carucci, người đồng sáng lập doanh nghiệp tư vấn lãnh đạo Navalent, thái độ thoái thác, tránh né hay giả như chưa có gì xảy ra sẽ khiến quản lý bị xem là kẻ đạo đức giả.
Cứ như vậy, lòng tin mà cấp dưới dành cho bạn sẽ bị xói mòn, khiến họ không muốn nghe theo chỉ đạo từ quản lý.
Ngoài ra, đã qua thời làm việc 8 tiếng đồng hồ và về nhà ngay khi tới giờ tan sở. Nhiều khả năng bạn phải túc trực ở công ty, chẳng hạn khi có dự án quan trọng hoặc phải xử lý sự cố khẩn cấp.
Nếu không có thói quen giải tỏa cảm xúc tiêu cực, tâm trí bạn sẽ đông cứng dưới quá nhiều yếu tố gây căng thẳng.
-----------------
Cảm thấy cô đơn
Đây là mặt trái được đa số thừa nhận sau khi đảm nhận vị trí người đứng đầu tập thể.
Phần lớn nhân sự dưới quyền có thể thân thiện trong ứng xử thường ngày với bạn. Song, họ không có nhu cầu thấu hiểu cấp trên và chỉ muốn trò chuyện với bạn về công việc.
Đây là chuyện khá hiển nhiên, cũng như lãnh đạo - nhân viên cần có khoảng cách nhất định tại văn phòng để duy trì trật tự và thái độ chuyên nghiệp.
Vấn đề sẽ dễ phát sinh với những quản lý sống tình cảm, hay lo nghĩ khi họ mắc kẹt trong áp lực. Đôi lúc, họ thấy lạc lõng và không thực sự được ủng hộ trong những quyết định quan trọng.
-----------------
Lối ra
Nếu cũng đang loay hoay xử lý những rắc rối tương tự khi làm quản lý, bạn có thể cân nhắc một số lời khuyên sau:
Sắp xếp thời gian
Nhằm giải tỏa căng thẳng, mỗi sáng hoặc cuối tuần, bạn nên dành ra vài phút để sắp xếp nhanh lịch trình.
Hãy ưu tiên những gì thực sự quan trọng, thay vì cố ôm đồm mọi thứ.
Đừng quên cho mình “kẽ hở” để chăm sóc sức khỏe, ngoại hình và thực hiện những hoạt động đời sống: mua sắm, hẹn hò, gặp gỡ bạn bè, ăn tối cùng gia đình…
Học cách trao quyền cho nhân viên
Ủy quyền là một cách để quản lý giảm bớt áp lực đổ dồn về phía mình. Nhờ đó, họ có thể tập trung vào các nhiệm vụ cao cấp, quan trọng hơn.
Theo Grace Baena, Giám đốc xây dựng thương hiệu của một nền tảng nội thất secondhand, hành động này còn thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng mà quản lý dành cho các nhân viên giàu kinh nghiệm, có trách nhiệm trong nhóm.
Xác lập ranh giới
Là sếp, bạn cần đặt ra những kỳ vọng rõ ràng cho bản thân và nhân viên.
“Quản lý phải biết khi nào nên nói không, nói như thế nào và sắp xếp hợp lý lượng công việc phù hợp theo từng tuần. Điều cấm kỵ là cố làm việc để chạy KPI và ép nhân viên phải đáp ứng yêu cầu của mình.
Việc này chỉ khiến đôi bên mệt mỏi, thậm chí khiến họ không còn tín nhiệm bạn” Marty Ford, Chủ tịch BulletpRoof Roof Systems, cho biết.
Đồng thời, hãy nhớ rằng ai cũng cần thời gian nghỉ ngơi. Bạn không thể hoàn thành các dự định lớn lao nếu làm việc thiếu sự điều độ và khoa học.
Xây dựng mối quan hệ với nhân viên
Theo Steve Wilson, nhà sáng lập Bankdash.com, quản lý sẽ bớt căng thẳng nếu có mối quan hệ làm việc tích cực với nhân viên.
“Đừng tỏ ra trịch thượng. Bạn cần dành thời gian tìm hiểu nhân viên, khuyến khích cấp dưới khi thuận lợi cũng như khó khăn. Ngoài ra, đừng quên minh bạch trong khâu giao nhiệm vụ, truyền đạt thông tin và ghi nhận thành tích của họ bằng phần thưởng xứng đáng.
Điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải trở thành bạn thân với mọi người. Thay vào đó, bạn chỉ cần đối đãi với đồng nghiệp và cấp dưới bằng tình cảm thực, sẵn sàng đồng hành trong mọi hoàn cảnh. Họ sẽ trân trọng và nỗ lực hơn vì công việc chung”, Wilson khẳng định.