“Sau nhiều tháng nghỉ việc, tôi vẫn nhảy dựng lên vì lo lắng mỗi khi nhận được thông báo tin nhắn ”, Nate Shalev kể về ám ảnh với cấp trên cũ - người luôn nhắn tin công việc lúc 3h sáng, gọi điện vào giữa trưa nếu yêu cầu không được phản hồi trong một tiếng.
Làm việc với một cấp trên ưa thích thể hiện mọi nguyện vọng của họ qua việc gõ phím, và coi tốc độ phản hồi đại diện cho “năng suất” có thể là điều gây khó chịu.
Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, đôi khi nhân viên đã lo lắng quá mức về tốc độ phản hồi tin nhắn mà cấp trên mong đợi. Bên cạnh đó, có những cách để “huấn luyện” một quản lý luôn nhắn tin ngoài giờ, khiến họ hiểu bạn cũng có cuộc sống riêng bên ngoài công việc.
Áp lực chứng minh năng suất
Nhiều người trong chúng ta có nhu cầu thể hiện mình là người làm việc chăm chỉ và tận tụy, nên thường vội vàng đáp ứng mọi yêu cầu mỗi khi cấp trên ra hiệu, bất kể thời gian.
Tuy nhiên, một báo cáo vào năm 2021 đã chỉ ra rằng người nhận đang đánh giá quá mức về tốc độ mà người gửi muốn được phản hồi đối với các tin nhắn sau giờ làm việc.
“Người khác không đánh giá chúng ta gay gắt như ta nghĩ”, Laura M. Giurge, đồng tác giả của báo cáo và là trợ lý giáo sư tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cho biết.
Nghiên cứu cũng cho thấy những người nhận email ngoài giờ làm việc cảm thấy căng thẳng quá mức so với mong đợi từ người gửi.
Bryce Anderson từng bị cuốn vào các yêu cầu của một ông chủ sáng lập công ty khởi nghiệp, người thường xuyên gửi email cho anh lúc nửa đêm.
Anderson nói rằng cái cách nhà lãnh đạo dường như làm việc nhiều giờ điên cuồng và không ngủ khiến ông ấy trở nên thật tuyệt.
Nếu tình cờ phát hiện ra một email lúc 2h sáng, Anderson sẽ viết thư trả lời ngay lập tức.
Sau khoảng một năm làm ở công ty, một đồng nghiệp tiết lộ với anh rằng người sếp hóa ra viết email vào ban ngày và lên lịch tự động gửi chúng vào ban đêm để trông như ông ấy làm việc bất kể thì giờ.
Tiết lộ ấy giống như việc vạch trần bộ mặt người đàn ông trong tác phẩm giả tưởng “The Wizard of Oz”. Anderson thề sẽ không làm việc như vậy nữa.
Anderson hiện là người đồng sở hữu một công ty sản xuất video ở Chicago, Mỹ. Anh sử dụng tính năng gửi email tự động để đảm bảo các thông báo gửi đúng giờ khi đang cho con ngủ, và chỉ gửi chúng vào ban ngày.
“Công ty chúng tôi cam kết làm việc lúc 9h sáng và kết thúc công việc vào 5h chiều”, Anderson nói.
Lấy lại quyền kiểm soát
Nancy Halpern, một nhà tư vấn lãnh đạo từng làm việc với các công ty như Novartis AG và Bank of America Corp, cho biết nếu bạn luôn trả lời sếp trong bữa tối, thì chính bạn đang củng cố suy nghĩ rằng cấp trên có thể nhắn tin cho bạn mọi lúc.
“Hãy kiểm soát cuộc sống của chính mình một chút”, Halpern nói.
Liếc qua tin nhắn, nếu thấy không quá quan trọng, cứ ăn xong bữa rồi phản hồi. Nếu thấy việc đó quá khẩn cấp, bạn có thể gọi điện và đề nghị: “Tôi đã xem tin nhắn và muốn trả lời nó. Nhưng tôi đang ăn tối, tôi có thể trả lời sau một tiếng nữa không?”.
Làm như vậy, bạn sẽ rèn cho cấp trên suy nghĩ rằng bạn đang có mặt, bình tĩnh và ghi nhận đầy đủ yêu cầu, đồng thời giữ được một số quyền kiểm soát của bản thân (và nhắc cho quản lý hiểu bạn có cuộc sống riêng bên ngoài công việc).
Khi bạn phải chuẩn bị tinh thần để bị gián đoạn công việc vì tin nhắn từ sếp, thật khó để tập trung. Bị kiểm soát liên tục cũng khiến nhân viên mất tự tin.
Khe Hy, người sáng lập và giám đốc điều hành của RadReads, một công ty giáo dục trực tuyến cung cấp các lớp học năng suất, nói rằng đôi khi các ông chủ không suy nghĩ gì lúc làm vậy.
Khi Hy còn làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khoảng 1/3 thông báo “khẩn cấp” đến từ ông chủ thường có nội dung: “Cậu gửi cho tôi đường link đăng nhập vào trận đá bóng ảo được không?”, “Tên cái nhà hàng ở New York đó là gì nhỉ?”...
Theo Hy, có cách để bạn “huấn luyện” cấp trên trong việc gửi tin nhắn và chờ đợi phản hồi.
Đầu tiên, hãy tìm ra tiêu chuẩn thực sự là gì. Sếp của bạn có mong đợi, thậm chí đòi bạn trả lời ngay lập tức tin nhắn mà ông ấy gửi lúc nửa đêm, trong khi bạn đang bận ru con ngủ không?
Hy khuyên bạn nên phân loại tin nhắn mình nhận được, từ email giao việc đến các ghi chú gửi vào cuối tuần, hỏi sếp của bạn khi nào ông ấy muốn nhận được phản hồi.
Nếu câu trả lời là “càng sớm càng tốt”, hãy lọc email đó và xếp vào ưu tiên. Hy từng dùng bộ lọc email và xếp các nội dung đó lên hàng “VIP”, xếp riêng chúng vào thư mục riêng để nhận biết mức độ quan trọng.
Nếu sếp là người thích nhắn tin, với mọi loại yêu cầu, bạn có thể điều chỉnh phần cái đặt để gán cho người đó một nhạc chuông riêng và không bỏ lỡ nó.