New York, San Francisco và Honolulu là những thành phố có mức sống đắt đỏ nhất nước Mỹ, Bloomberg đưa tin.
Theo một phân tích của SmartAsset – công ty về cung cấp thông tin tài chính tập trung vào người tiêu dùng, các cư dân sinh sống ở những nơi này cần mức lương trên 300.000 USD để vẫn “bỏ túi” được 100.000 USD sau khi đóng thuế và các khoản chi phí sinh hoạt khác như đồ tạp hóa, tiện ích, xăng xe, các hàng hóa và dịch vụ khác.
Công ty đưa ra tính toán dựa trên con số 100.000 USD cho chi phí sinh hoạt địa phương ở 76 thành phố lớn nhất của Mỹ, sau đó sử dụng công cụ tính tiền lương để tính thuế với từng cá nhân có mức thu nhập hàng năm và không có khoản khấu trừ bổ sung nào, dựa theo dữ liệu từ Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Cộng đồng trong quý III/2022.
Cư dân tại những nơi đắt đỏ nhất phải đối mặt với phí thuê nhà cao cùng nhiều khoản bắt buộc khác, trung bình cần thu nhập ròng trên 180.000 USD để đủ sống. Ngoài ra, vì những người có thu nhập cao bị đánh thuế lên tới 40%, nên số tiền họ kiếm về càng phải cao hơn để có đủ khả năng chi trả.
Nếu mức thu nhập chỉ dừng lại ở 100.000 USD tại New York, sau khi trừ đi thuế và chi phí sống, một cá nhân chỉ còn lại gần 36.000 USD, mức thấp nhất trên cả nước Mỹ.
Trong khi đó, ở thành phố Houston (bang Texas), một nhân viên văn phòng chỉ cần có tổng thu nhập khoảng 125.000 USD để đạt được mức trang trải tương đương với một người kiếm được 312.000 USD ở New York.
Xếp sau New York là các thành phố Oakland, Los Angeles, San Diego (cùng thuộc bang California), Washington D.C - những nơi phải có mức lương dao động trong khoảng 245.000 USD mới dư dả.
Cũng theo phân tích của SmartAsset, mức lương 6 con số dễ đạt được hơn nhiều ở bang Texas, vì chi phí sinh hoạt ở nhiều thành phố của bang thấp hơn mức trung bình toàn quốc, còn cư dân không phải trả thuế thu nhập của bang.
Ở các thành phố như El Paso, Corpus Christi và Lubbock trong cùng bang, mức lương có thể chỉ cần 122.000 USD mà vẫn có cảm giác như 100.000 USD.
Xu hướng làm việc từ xa đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: tập trung ở các thành phố lớn như New York và San Francisco, hay đến các bang như Florida và Texas để được hưởng khí hậu ấm áp hơn và có cuộc sống đỡ áp lực về tiền bạc hơn.
Sau 2 năm lạm phát tăng cao, nhiều người đang xem xét nghiêm túc bối cảnh không đồng đều về thuế và chi phí sinh hoạt trên cả nước Mỹ, trong đó thuế nổi lên như một yếu tố chính.
Mặc dù thành phố Miami, một điểm đến phổ biến, có chi phí sinh hoạt cao hơn so với các thành phố lớn khác như Baltimore và Chicago, nhưng cuối cùng thì nó lại có giá cả phải chăng hơn vì bang Florida, giống Texas và một số bang khác, không đánh thuế thu nhập cá nhân.
Tại New York, kiểm soát viên của bang Thomas DiNapoli đã cảnh báo về việc tăng thuế có thể khiến nhiều cư dân giàu có rời đi và làm xói mòn thêm cơ sở doanh thu của bang.
Song, dữ liệu gần đây cho thấy cuộc di cư khỏi New York có thể đang chậm lại một chút: trong khi các quận bên ngoài tiếp tục mất cư dân, Manhattan đã chứng kiến dân số phục hồi vào năm 2022.
Tuy nhiên, thành phố còn cách xa so với mức cơ bản trước đại dịch, với tổng dân số là 8,3 triệu người, giảm so với 8,8 triệu người vào tháng 4/2020.