Kể về một buổi chiều đi đổ nhiên liệu ở cây xăng gần nhà tại Vientiane hồi tuần trước, Vannasone Ouanlasy - 20 tuổi - vẫn nhớ cảm giác ngán ngẩm khi phía trước anh là hơn chục ôtô đang xếp hàng. Sau lưng anh, một chục ôtô khác đang chờ.
Trong khi đó, anh không thể đếm được xung quanh có bao nhiêu xe máy. Đoạn đường gần cây xăng này kẹt cứng phương tiện. Vài người cầm theo can, chai, lọ,... để mua xăng.
“Tôi phải chờ khoảng 30 phút. Tôi đổ dầu diesel nên thời gian chờ ít hơn, nhưng cũng đủ để thấy mệt mỏi lắm rồi. Nhìn những người khác, tôi thấy ngán ngẩm thay cho họ”, anh nói với Zing.
Anh Vannasone nói “đôi lúc không đổ xăng, đi ngang qua chỉ thấy xe là xe, xếp hàng dài tới mức không thấy trạm xăng”. “Những lúc như vậy chỉ có xác định bỏ dở công chuyện hôm đó”, anh thở dài.
Khung cảnh người người chen chúc mua xăng trong nhiều tuần nay đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại nhiều nơi trên khắp nước Lào do tình trạng thiếu xăng.
“Giá xăng cách đây một năm chỉ vào khoảng 8.000-10.000 kip/lít (khoảng 0,53- 0,67 USD ), nhưng giờ đã tăng gấp đôi, lên tới 1,27- 1,33 USD /lít. Thế nhưng giá xăng bây giờ có cao mấy cũng không lo bằng không có để mua. Có lần tôi phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới đổ được xăng”, anh Viengvilay Ouanlasy (29 tuổi) - người dân Vientiane - chia sẻ.
Kẹt cả 2 làn xe vì người chờ mua xăng
Chị Viengluang Khampoukeo (29 tuổi) cho biết mỗi lần tắc đường vì đi đổ xăng, chị thường bị lỡ nhiều công việc.
“Đôi khi đi làm về, tôi muốn về sớm để nấu nướng nhưng dính tắc đường nên lúc nào cũng muộn. Có những xe chen hàng, khiến người xếp trước bức xúc, thành ra đường ùn ứ”, chị Viengluang kể lại. “Đường có hai làn mà tắc cả hai, khiến người không đi đổ xăng cũng dính kẹt xe theo”.
Trong khi đó, là một người thường xuyên đi xe máy, chị Yardaeng Boutsabar (27 tuổi) cho biết mỗi lần đổ xăng, chị phải xếp hàng ít nhất nửa tiếng, có hôm lên tới “một tiếng”.
Còn với bà Khamla Ouanlasy (48 tuổi), bà từng lấy ôtô đi đổ xăng từ 5h và đợi cả tiếng. Thế nhưng, khi tới lượt, dầu diesel lại hết và chỉ còn xăng benzen.
Do tình trạng khan hiếm, chị Yardaeng cho biết một số cây xăng đã phải áp đặt hạn mức mua, khi xe máy chỉ được đổ 50.000 kip (gần 3,5 USD ), ôtô là 300.000 kip ( 20 USD ).
Trong khi đó, anh Viengvilay cho hay “từ bé đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy Lào gặp tình trạng như vậy”. “Có là tỷ phú cũng chưa chắc mua được xăng”, anh nói đùa.
Theo Reuters, phần lớn xăng dầu của Lào phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước láng giềng Thái Lan. Hồi tháng 5, tờ Vientiane Times nhận định đồng kip (đơn vị tiền tệ của Lào) suy yếu, lạm phát cao và thị trường dầu mỏ toàn cầu không ổn định khiến các nhà nhập khẩu nhiên liệu khó đáp ứng nhu cầu của người dân Lào.
Ngoài những lý do trên, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu và Khí đốt Lào, ông Sysangkhom Khotnhotha, cho biết hồi tháng 5 rằng một số nhà máy lọc dầu đang tích trữ nhiên liệu với mục đích kiếm lợi nhuận. Điều này khiến cho nguồn cung càng trở nên khan hiếm.
Lào cần khoảng 120 triệu lít nhiên liệu mỗi tháng để đáp ứng nhu cầu người dân, nhưng hiện chỉ có thể mua dưới mức 50%.
Xe đạp điện thành "ngôi sao sáng"
Để khắc phục tình trạng xăng vừa tăng vừa hiếm này, nhiều người đã phải lựa chọn phương án di chuyển khác. Bà Khamla đã mua một chiếc xe đạp điện về dùng để tiện đi chợ. Trong khi đó, anh Viengvilay cho biết gia đình mình có 3 ôtô và 3 xe máy, nhưng giờ phải “bỏ xó”, chỉ dùng một ôtô mà em trai lái đi học vì đường xa.
“Đôi khi, con cái tôi đi đâu gần nhà cũng sử dụng xe đạp điện. Chiếc xe đạp điện có lẽ giờ là ngôi sao sáng nhất nhà. Nhiều hôm tôi vừa đi chợ về, con dâu hoặc con trai đã lấy xe đi tiếp, đi gội đầu, hoặc mua gì đó chẳng hạn”, bà Khamla nói. “Chiếc xe lúc nào cũng tất bật, hơn cả xe máy và ôtô trong nhà”.
Bà cho biết giá xe đạp điện giờ đã tăng lên khi nhiều người ở Lào cũng thay đổi phương tiện đi lại.
Trong khi đó, anh Viengvilay chia sẻ khan hiếm xăng đã khiến cuộc sống của anh đảo lộn hoàn toàn. “Tôi hạn chế đi lại hoặc đi du lịch. Có vài kế hoạch lái xe cùng bạn bè đi du lịch nhưng giờ giá xăng tăng vọt và hiếm nữa, nên đành phải hoãn”, anh nói. “Lấy xăng đâu mà đi bây giờ!”.
“Tôi không lạc quan giá xăng sẽ xuống. Với tình hình này, giá không tăng nữa là may lắm rồi”, anh nói thêm, đồng thời cho biết chính phủ đã đưa ra một số giải pháp.
Phát biểu trước Quốc hội Lào hôm 23/6, Phó thủ tướng Sonexay Siphandone nói rằng chính phủ sẽ cung cấp Thư tín dụng trị giá 200 triệu USD cho các nhà nhập khẩu nhiên liệu. Số tiền này có thể mua 200 triệu lít nhiên liệu, đáp ứng nhu cầu cho tháng 7 và tháng 8 ở mức 100 triệu lít/tháng, Vientiane Times đưa tin.
Ông Sonexay Siphandone cho biết chính phủ sẽ tiếp tục cung cấp ngoại tệ cho các nhà nhập khẩu trong thời gian còn lại của năm, nhằm đảm bảo họ sẽ mua đủ nhiên liệu. Ngoại tệ sẽ được lấy từ nguồn của các công ty xuất khẩu khoáng sản và nông sản.
Cũng theo phó thủ tướng Lào, từ ngày 1-21/6, chính phủ đã phân bổ 102 triệu USD để trả cho nhiên liệu nhập khẩu, đủ để dùng cho nhu cầu thông thường, tạo điều kiện đáp ứng nguồn cung nhiều cửa hàng xăng dầu.
Bên cạnh đó, chính phủ Lào cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Về lâu dài, Lào sẽ xem xét các biện pháp thúc đẩy đầu tư vào nhà máy lọc dầu nội địa để đảm bảo an ninh nhiên liệu.
Trước đó, Tân Hoa xã đưa tin để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu, Bộ Tài chính Lào đã chỉ đạo các ngành liên quan và cửa khẩu biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu nhiên liệu, trong đó loại bỏ tất cả thủ tục có thể gây khó khăn hoặc tắc nghẽn xe chở xăng dầu.
Ngoài ra, bộ cũng yêu cầu các ngành liên quan cần phối hợp để đảm bảo nhiên liệu được nhập khẩu và phân phối kịp thời cho các trạm xăng trong nước.
Hồi tháng 5, chính phủ Lào đồng ý với đề xuất hợp nhất một số công ty nhập khẩu nhiên liệu và Công ty Nhiên liệu Nhà nước Lào thành một đơn vị duy nhất để nhập khẩu và phân phối nhiên liệu. Công ty mới sẽ tìm kiếm nhiên liệu rẻ hơn từ các nguồn mới, bao gồm cả Nga, để giảm chi phí mua ban đầu và gánh nặng lên nhà bán lẻ.
Ngoài ra, Quốc hội Lào hồi đầu tháng 5 cũng thông qua quyết định cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng từ 31% xuống 16%, còn với dầu diesel từ 21% xuống 11%.