Các cuộc nói chuyện và bài đăng thảo luận về ChatGPT vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sau khi nó thể hiện trí thông minh vượt trội và khả năng học hỏi, trả lời những kiến thức phức tạp chỉ trong vài phút ngắn ngủi, theo Insider.
Ra mắt mới được 3 tháng, nhưng công cụ AI này đang khiến những người lao động có hàng chục năm kinh nghiệm cảm thấy lo lắng về nghề nghiệp của mình trong tương lai.
Từ việc viết một bài báo nghiên cứu khoa học đầy đủ chỉ trong 2 giờ, đến việc vượt qua cuộc phỏng vấn viết mã code của Google, chatbot này hiện bị nhiều nhân viên có kinh nghiệm và bằng cấp coi là đối thủ, mối đe dọa trực tiếp.
"AI-nxiety" (tạm dịch: nỗi lo AI), chơi chữ từ "anxiety" (nỗi lo lắng), là thuật ngữ do Day One - một công ty ở Mỹ làm trong lĩnh vực truyền thông - đặt tên và nêu ra trong báo cáo về dự đoán năm 2023.
Đối thủ đáng gờm ở công ty
Trước đó, công ty này cũng cho ra đời cụm từ "Catch 2022", chỉ cảm giác không chắc chắn khi sống trong thế giới hậu đại dịch Covid-19.
AI-nxiety nhằm mục đích mô tả sự khó chịu về tác động của AI đối với khả năng sáng tạo của nhân loại.
Tuy nhiên, "sự lo lắng về AI" này còn dùng để mô tả nỗi sợ phổ biến về mất việc làm vào tay người máy - một nỗi sợ có nhiều cơ sở trong thực tế.
Tháng 10/2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng ước tính có khoảng 85 triệu việc làm có thể bị thay thế vào năm 2025, đồng thời chỉ ra rằng tự động hóa trong lực lượng lao động đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn dự đoán.
Dự báo của họ đang đúng với hiện tại. ChatGPT vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và có nhiều lỗi, nhưng tiềm năng to lớn của nó rất đáng kinh ngạc. ChatGPT cũng chỉ mới là làn sóng đầu tiên của "cơn sóng thần AI", với những khả năng không thể tưởng tượng được chỉ 10 năm trước.
Chỉ trong vài tuần qua, công ty tin tức và giải trí trực tuyến Buzzfeed (Mỹ) đã thông báo rằng họ sẽ sử dụng công nghệ AI để tạo nội dung, trong khi Netflix ở Nhật Bản đang trong quá trình sản xuất một bộ phim hoạt hình sử dụng phần đồ họa do AI vẽ ra, theo Vice News.
Trong một bài viết gần đây của Insider, các chuyên gia chia sẻ rằng ChatGPT và các công nghệ AI liên quan khác có thể đe dọa nhiều nghề nghiệp, đặc biệt là công việc văn phòng.
Danh sách được liệt kê trải rộng từ ngành công nghệ đến tài chính. Trong các ngành đòi hỏi sáng tạo nhiều hơn như truyền thông, quảng cáo, thiết kế đồ họa hay sáng tạo âm nhạc, AI cũng cho thấy khả năng "chen chân" vào được những phần nhiệm vụ con người trước giờ đảm nhận.
Không cần lo quá mức
Hiện tại, vẫn chưa chắc chắn nghề nghiệp nào sẽ an toàn tuyệt đối trước AI. Nhưng sự lo lắng không cần bị thổi phồng quá mức, một số chuyên gia chung nhận định.
Dù khó có thể phủ nhận khả năng AI sẽ khiến nhiều nhân viên mất việc trong tương lai, các chuyên gia phân tích rằng sự bùng nổ của AI sẽ mở ra cánh cổng mới cho sự phát triển chung của thế giới.
Theo báo cáo tương tự của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, làn sóng công nghệ AI này được dự đoán sẽ tạo ra 97 triệu việc làm mới, trong đó đổi mới và khả năng thích ứng sẽ là hai kỹ năng có giá trị nhất.
Bên cạnh đó, một số trường hợp đã giúp nêu bật khả năng sai sót của AI.
Trong một thử nghiệm gần đây, thầy cô ở trường luật của Đại học Minnesota (Mỹ) đã thử nghiệm ChatGPT trong kỳ thi.
Sau đó, phó giáo sư Jon Choi thuộc ngôi trường này, đã lưu ý rằng mặc dù chatbot nổi tiếng có thể đọc thuộc lòng các quy tắc và trường hợp pháp lý, nhưng nó không thể đưa ra lý do phân tích sâu hơn theo yêu cầu đề bài.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng xu hướng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử được tìm thấy trong nhiều mô hình AI có thể tạo ra nhiều vấn đề hơn cho xã hội, đặc biệt là các nhóm yếu thế, bị thiệt thòi.
Nói một cách đơn giản, cuộc cách mạng AI vẫn ở đây và sự phân nhánh của nó sẽ ngày càng trở nên đáng chú ý trong cuộc sống hàng ngày.
Tại thời điểm này, cách tốt nhất để đối phó với 'AI-nxiety' là học cách sử dụng nó và "quẳng gánh lo âu" sang một bên, tập trung cải thiện kỹ năng bản thân.