Dịch vụ cha mẹ chuyên nghiệp đang nở rộ tại Trung Quốc. Ảnh: Pexels.
Mỗi ngày, Song Siyu, một người làm nghề "cha mẹ chuyên nghiệp" tại Trùng Khánh (Trung Quốc), sẽ đi đón con của khách hàng, cùng đứa trẻ đi đá bóng, đấu kiếm hoặc bơi lội, rồi sau đó về nhà để hỗ trợ trẻ làm bài tập.
Công việc của Song sẽ bắt đầu từ 17h30 và kết thúc vào 20h30 các ngày trong tuần.
Ngoài những công việc nêu trên, các cha mẹ chuyên nghiệp tại Trung Quốc như Song còn có loạt nhiệm vụ khác như đưa con của khách hàng đi khám bệnh, hay thậm chí giải quyết các vấn đề tâm lý cho trẻ.
Việc tốt lương cao
Với nhiều người, "cha mẹ chuyên nghiệp" có thể là một khái niệm xa lạ. Nhưng với các bậc phụ huynh tại Trung Quốc, dịch vụ này đang trở nên phổ biến ở giới thượng lưu - các gia đình có tài sản ròng trên 1,4 triệu USD.
Do bận rộn công việc, không có thời gian nuôi dạy con nhưng cũng không muốn nhờ ông bà chăm cháu, những gia đình này quyết định tìm một người có thể đảm nhận nhiều vai trò giống như cha mẹ thực thụ, theo SCMP.
Cha mẹ chuyên nghiệp đảm nhận mọi công việc liên quan đứa trẻ. Ảnh: Pexels.
Những người được thuê không phải gia sư, cũng không phải bảo mẫu. Họ đảm nhận nhiều công việc hơn thế, từ việc đưa đón, giúp trẻ học bài, cho đến việc đưa trẻ đi khám bác sĩ, cùng đi du lịch hay đáp ứng các nhu cầu tình cảm của các em.
Để trở thành một cha mẹ chuyên nghiệp, những người làm nghề phải có trình độ đại học trở lên, có hiểu biết về tâm lý trẻ em, biết chơi thể thao và thông thạo nhiều ngôn ngữ.
First Post cho biết nhiều người làm nghề này tốt nghiệp từ loạt đại học danh tiếng như Đại học Harvard, Đại học Cambridge, Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh... Do đó, mức lương của những người này cũng rất ấn tượng, có thể dao động từ 1.400-4.100 USD/tháng.
Theo một báo cáo trên tờ Southern Weekly, nhu cầu tìm "mẹ chuyên nghiệp" rất cao, đặc biệt là với những gia đình đang thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ.
Shura, một người đang làm công việc này, cho biết các bà mẹ chuyên nghiệp được "săn đón" là vì việc nuôi dạy con cái tại Trung Quốc vẫn chủ yếu được coi là vai trò của người mẹ. Quan niệm này khiến nhu cầu tìm các ông bố chuyên nghiệp cũng ít hơn.
"Những gia đình tìm nam giới để làm bạn đồng hành với con thường có mục tiêu cho con phát triển năng khiếu thể thao. Tuy nhiên, nhiều người cũng từ chối thuê vì cho rằng nam giới không phù hợp để chăm sóc con gái", Shura nói.
Gây tranh cãi
Thuê cha mẹ chuyên nghiệp đang là xu hướng, nhưng điều này cũng có mặt trái. Ví dụ, nhiều đứa trẻ có thể trở nên gắn bó với các cha mẹ chuyên nghiệp hơn là với chính cha mẹ ruột của các em.
SCMP ghi nhận một trường hợp như vậy. Susu, một người được thuê làm mẹ chuyên nghiệp, cho biết cô đã dành cả mùa hè để chăm sóc một đứa trẻ ở độ tuổi nổi loạn.
Các chuyên gia không ủng hộ xu hướng này vì có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và con cái. Ảnh: Pexels.
Ngoài việc lập kế hoạch dinh dưỡng cho các bữa ăn, Susu còn giúp con trai chủ nhà chơi bóng rổ, đạp xe và làm bài tập về nhà. Cả hai cũng có những lần cùng nhau tâm sự và chia sẻ vấn đề khó nói.
Một lần, khi cãi nhau với mẹ ruột, cậu bé này nói với Susu rằng: "Con không thích mẹ ruột của con, con muốn mẹ làm mẹ của con cơ".
Bàn về xu hướng thuê cha mẹ chuyên nghiệp tại Trung Quốc, nhà tâm lý học trẻ em Payal Narang cho biết bà rất sốc và không hiểu vì sao dịch vụ này lại nở rộ.
Theo nữ chuyên gia, các gia đình có thể tìm người hỗ trợ chăm sóc con, nhưng không thể phó thác mọi trách nhiệm cho người lạ vì dù thế nào, họ mới là cha mẹ đẻ của đứa trẻ.
Hơn nữa, việc cha mẹ dành ít thời gian hoặc không dành thời gian cho việc nuôi dạy con có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
"Nếu không đầu tư thời gian, tình yêu và sự quan tâm, bạn sẽ không thể tạo dựng mối liên kết với con vì vai trò đó đang được người khác đảm nhiệm. Các con có thể đối xử với bạn như một người họ hàng xa chứ không phải cha mẹ đẻ", bà Payal nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhà tâm lý học cũng chỉ ra một nhược điểm của việc thuê cha mẹ chuyên nghiệp, đó là đứa trẻ sẽ rất dễ bị tổn thương nếu người này nghỉ việc.
Nhìn chung, cha mẹ chuyên nghiệp cũng chỉ là một công việc được trả lương, người được thuê có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào. Khi đó, người tổn thương nhất sẽ chính là đứa trẻ vì đột ngột mất đi người chăm sóc các em mỗi ngày, đồng thời mất đi sự kết nối với cha mẹ ruột.
Nếu cha mẹ chuyên nghiệp và con cái có sự kết nối tốt với nhau, đó có thể là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, tôi tin rằng họ có thể thiếu bản năng mà chỉ cha mẹ ruột mới có", bà Payal nêu quan điểm.
Tương tự, bà Pan Lan, một chuyên gia giáo dục tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), cũng không ủng hộ xu hướng này.
Bà nói rằng các cha mẹ chuyên nghiệp sẽ không thể thay thế cha mẹ thực sự. Quá trình phát triển về thể chất, tinh thần của đứa trẻ vẫn cần sự đồng hành, hỗ trợ và cần cả tình yêu thương từ cha mẹ ruột.
"Giáo dục gia đình chất lượng vẫn là quá trình đòi hỏi sự phát triển chung giữa cha mẹ và con cái", bà Pan khẳng định.