Ông Mick Payne, giám đốc vận hành (COO) của hãng Techbuyer, một công ty chuyên xử lý rác thải công nghệ tại Harrogate đã bất ngờ khi chứng kiến phòng rác thải của một trung tâm dữ liệu tại London. Nơi đây chứa đến hàng nghìn ổ cứng đã qua sử dụng bởi một hãng thẻ tín dụng.
Hiểu được rằng mình có thể tận dụng đống ổ cứng này để tái sử dụng, COO Payne đã đề nghị mức giá lên đến 6 con số cho lô hàng này. Thế nhưng phía bên kia từ chối, thay vào đó họ nghiền nát đống ổ cứng này thành vụn rồi mới yêu cầu công ty của Payne xử lý chúng.
“Điều này thật điên rồ. Họ không cho phép ổ cứng rời tòa nhà một cách nguyên vẹn dù chúng tôi có thể xóa sạch dữ liệu và tái sử dụng trong nhiều năm tới. Hành vi này thật là lãng phí”, COO Payne than thở.
Theo tờ Financial Times (FT), câu chuyện của ông Payne cho thấy rác thải công nghệ đang là một vấn đề gây nhức nhối. Hàng ngày chúng ta lưu trữ thư điện tử, cập nhật dữ liệu trên Google Document, lưu trữ ảnh online hay bất cứ thứ gì liên quan đến điện toán đám mây thì thực tế chúng được lưu trữ tại khoảng 70 triệu máy chủ trên toàn thế giới. Mỗi máy chủ là tập hợp của các hộp to như bồn rửa bát với ổ cứng và linh kiện trong đó.
Thống kê của FT cho thấy có khoảng 23.000 trung tâm dữ liệu trên thế giới, một số có diện tích bằng vài cái bể bơi cộng lại. Khi các công ty hoặc chủ sở hữu trung tâm muốn nâng cấp thiết bị, thường là vào khoảng 3-5 năm thì họ sẽ hủy bỏ ổ cứng và linh kiện cũ đi. Những hãng xử lý như của COO Payne sẽ thu về kim loại, nhựa hay những nguyên liệu quý hiếm để bán lại.
Hàng loạt những ông lớn trong ngành công nghệ (Big Tech) như Amazon, Microsoft hay thậm chí cả các ngân hàng, cơ quan chính phủ đều sử dụng các trung tâm dữ liệu như trên để làm việc. Thế nhưng câu chuyện ở đây là rác thải công nghệ từ những ổ cứng dữ liệu này sẽ bị xử lý ra sao khi bị thay thế.
Bảo mật
Một vấn đề khiến các công ty muốn tiêu hủy các ổ cứng thay vì tái chế là tính bảo mật vì lượng thông tin trong đó có thể ảnh hưởng đến uy tín hay những cam kết của họ với khách hàng, qua đó chịu những khoản phạt khổng lồ.
Tháng 9/2022, Ủy ban chứng khoán Mỹ (USEC) đã phạt Morgan Stanley khoản tiền 35 triệu USD vì đã để lộ thông tin khách hàng. Tập đoàn này đã bán lại ổ cứng cũ thông qua một công ty hợp đồng không có kinh nghiệm, hậu quả là các thông tin trong ổ cứng không được xóa triệt để và bị lộ.
Trước đó vào năm 2020, Morgan cũng đã bị phạt 60 triệu USD vì lỗi tương tự và thêm 60 triệu USD tiền bồi thường nữa vào đầu năm nay cho khách hàng. Một số thông tin của đối tác trong ổ cứng bị lộ đã được đem lên mạng đấu giá.
Với rủi ro như trên, Morgan bắt đầu quy định bất kể ổ cứng nào bị loại bỏ của tập đoàn cũng sẽ bị nghiền nát trước khi tái chế. Cách làm này cũng đang được ngày càng nhiều tổ chức áp dụng.
Một nhân viên giấu tên của mảng điện toán Amazon, Amazon Web Service (AWS) nói với tờ FT rằng bất kỳ ổ cứng nào bỏ đi của hãng cũng sẽ bị nghiền nát. Sau mỗi 3-5 năm khi nâng cấp thiết bị, lượng lớn ổ cứng sẽ bị đem đi nghiền và bán lại để tái chế.
“Nếu chúng tôi để lọt một mẩu thông tin ra bên ngoài thì chúng tôi sẽ đánh mất niềm tin của khách hàng”, vị nhân viên giấu tên cho biết.
Điều này cũng tương tự tại Microsoft hay các cơ quan cảnh sát, giáo dục, hưu trí của Anh nếu họ có sử dụng các trung tâm dữ liệu. Cơ quan an ninh Bắc Ireland cho biết họ đã tiêu hủy khoảng 30.000 mảnh thiết bị bao gồm từ ổ cứng cho đến các linh kiện khác trong vòng 2 năm qua.
Trên thực tế, những trung tâm dữ liệu thường tốn rất nhiều điện năng. Ví dụ như vào tháng 7/2022, khu phía tây London lâm vào tình trạng thiếu điện cho các dự án căn hộ mới đã khiến nhiều người chỉ trích, một trong số đó là việc tốn quá nhiều điện cho các trung tâm dữ liệu.
Hệ quả tất yếu là những trung tâm này thường phải nâng cấp ổ cứng hay các công nghệ mới tiết kiệm điện hơn, qua đó liên tục thải rác ra môi trường.
Theo hãng tư vấn Gartner, khoảng 700 trung tâm dữ liệu sẽ được xây mới thêm trên toàn cầu trong vòng 3 năm tới, qua đó hàng triệu tấn rác thải công nghệ, linh kiện điện tử sẽ được thải ra môi trường và bài toán ở đây không còn là có đủ điện năng hay không mà là ô nhiễm môi trường đến mức nào.
Nghiền nát mọi thứ
Theo chuyên gia Felice Alfieri của Hội đồng Châu Âu (EC), các tổ chức hoàn toàn có thể xóa sạch dữ liệu xong rồi tái chế những ổ cứng này, qua đó tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ môi trường. Thế nhưng nỗi lo sợ bảo mật đã khiến các tập đoàn, cơ quan nhà nước tiếp tục tiêu hủy ổ cứng thay vì tái sử dụng.
Dù chưa có một thống kê chính thức nhưng theo ước tính của Trung tâm năng lượng mới quốc gia Mỹ (UNREL), mỗi năm nước này thải ra môi trường ít nhất 20 triệu ổ cứng. Những rác thải công nghệ sau khi nghiền nát ổ cứng và linh kiện này có thể tồn tại trong nhiều năm cho đến hàng thập niên hoặc lâu hơn.
Nghiên cứu của UNREL cho thấy hơn 90% số ổ cứng và linh kiện này vẫn có thể sử dụng được, trong khi báo cáo của EC cũng cho thấy tình hình tương tự tại Châu Âu.
Chuyên gia nghiên cứu Julien Walzberg của UNREL cho biết dù có được đưa đi tái chế thì với công nghệ hiện nay, các nhà máy cũng chỉ có thể tái sử dụng lại được khoảng 70% số rác thải từ nghiền ổ cứng này.
Các hãng tái chế sẽ thu hồi nhôm, sắt hay các bảng mạch để bán lại cho bên thứ 3. Tuy nhiên những nguyên liệu quan trọng như Neodymium, Dysprosium, Nickel và Palladium trong vài bộ phận thì khó lòng lấy lại được.
Xin được nhắc là những nguyên liệu trên đều được Mỹ lẫn Châu Âu liệt vào hàng trọng điểm do khó khai thác hoặc gặp trở ngại liên quan đến địa chính trị. Ví dụ, Trung Quốc đang sản xuất 60% đất hiếm trên thế giới và họ có thể tác động đáng kể đến việc sản xuất những nguyên liệu quý cho thiết bị điện tử.
Những ổ cứng và linh kiện trên đóng góp vào khoảng 54 triệu tấn thiết bị điện tử bị vứt bỏ mỗi năm trên toàn cầu. Với mỗi thứ bị bỏ đi thì chúng ra lại phải khai thác thêm để sản xuất mới thay thế và khi công nghệ phát triển đi kèm với những xung đột, giá các nguyên liệu này sẽ càng lên cao.
Giáo sư Deborah Andrews của trường đại học ngân hàng Nam London (LSBU) nhận định tái sử dụng (Re-use) luôn tốt hơn là tái chế (Recycling).
“Kể cả khi bạn có tái chế được lại toàn bộ nguyên liệu đi chăng nữa thì cũng đã tốn khoản năng lượng và chi phí để tiêu hủy rồi đem đi tái sản xuất lại những thiết bị đó”, chuyên gia Walzberg của UNREL cũng đồng quan điểm.
*Nguồn: FT