Tháng 4, Bộ Lao động Hàn Quốc mở cuộc điều tra sự việc một nhà phát triển phần mềm tại Naver, công ty Internet hàng đầu Hàn Quốc, được cho là tự tử vì bị bắt nạt tại nơi làm việc sau khi nghỉ thai sản.
Gia đình tang quyến của người phụ nữ qua đời vào tháng 9/2022 cho rằng nạn nhân bị phân biệt đối xử vì đi làm lại sau khi sinh con. Họ yêu cầu Bộ điều tra công ty với cáo buộc vi phạm Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động.
Hiện chưa rõ kết quả điều tra, nhưng nhiều người mẹ đang đi làm cho biết họ cảm thấy thiệt thòi trong công việc vì trách nhiệm chăm sóc con cái thường bị coi là trở ngại đối với sự nghiệp.
Do những nhận thức như vậy, nhiều phụ nữ không muốn sinh con hoặc kết hôn, một số cuộc khảo sát chỉ ra, theo The Korea Herald.
Từ bỏ sự nghiệp
Yun Bo-ra (37 tuổi), hiện là mẹ hai con, làm việc tự do kể từ khi nghỉ việc tại ngân hàng cách đây 5 năm. Khi mang thai con đầu lòng, cô cảm thấy mình không thể tiếp tục sự nghiệp.
“Hợp đồng sắp hết hạn, trong khi tôi cảm thấy mình không thể tìm được công việc khác ngay sau khi sinh. Tất nhiên, tôi cũng không thể bắt chồng tôi nghỉ việc để chăm con”, cô nói.
Yun cho biết nhận thức xã hội về vai trò giới tính đóng một phần vai trò.
Cô và chồng kém 4 tuổi không thuộc thế hệ cho rằng phụ nữ phải là người chăm sóc chính cho con cái. Tuy nhiên, ngay cả người trẻ lớn lên với niềm tin vào bình đẳng giới cũng không tránh khỏi những kỳ vọng xã hội phổ biến khắp xã hội Hàn Quốc.
Theo phân loại của các quan chức chính phủ, Yun được xếp vào nhóm “phụ nữ bị gián đoạn sự nghiệp”. Họ là những người không thể tiếp tục công việc sau khi kết hôn, mang thai, chăm sóc con cái hoặc các vấn đề khác liên quan đến gia đình.
Thống kê giới tính năm 2022 tại Hàn Quốc cho thấy 46,1% phụ nữ có gia đình thất nghiệp thuộc nhóm này. Trong số đó, 65,6% được giáo dục đại học.
Trên thực tế, tỷ lệ nữ giới học đại học cao hơn nam giới kể từ năm 2009. Con số gần đây nhất là 76,6% đối với nữ và 70,3% đối với nam vào năm 2022.
Nói tóm lại, nhiều phụ nữ có trình độ đại học rời bỏ lực lượng lao động, một cách tự nguyện hoặc không tự nguyện, khi họ kết hôn, mang thai hoặc sau khi sinh con.
Ủy ban của tổng thống về Xã hội Lão hóa và Chính sách Dân số gần đây đưa ra một số biện pháp mới nhằm khuyến khích sinh con, bao gồm kế hoạch mở rộng thời gian nghỉ phép của cha mẹ từ tối đa 24 tháng lên tối đa 36 tháng.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều bậc phụ huynh hoàn toàn không thể sử dụng bất kỳ ngày nghỉ phép nào.
Gapjil 119, nhóm bao gồm 150 chuyên gia về luật lao động, tiến hành cuộc khảo sát vào tháng 3 trên 1.000 nhân viên văn phòng. Khoảng 45% cho biết họ “không thể tự do sử dụng” quyền nghỉ chăm sóc con cái, trong khi 36% nói tương tự đối với thời gian nghỉ thai sản.
Nghỉ phép là lựa chọn khó khăn hơn, đặc biệt đối với những người làm việc trong công ty vừa và nhỏ. Theo báo cáo tháng 12/2022 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, 62,4% bà mẹ đi làm được nghỉ phép đang làm việc cho doanh nghiệp có từ 300 nhân viên trở lên.
Ngay cả khi có thể nghỉ phép, nhân viên vẫn sợ bị phân biệt đối xử khi trở lại làm việc. Điều này thường xảy ra dưới hình thức được sắp xếp vào vị trí ít hấp dẫn hơn hoặc không liên quan đến công việc trước đây.
Đạo luật Hỗ trợ Cơ hội Việc làm Bình đẳng và Cân bằng Công việc - Gia đình quy định rằng việc người sử dụng lao động phân biệt đối xử với người lao động dựa trên giới tính, hôn nhân, địa vị trong gia đình, mang thai hoặc sinh con mà không có lý do chính đáng là bất hợp pháp. Tuy nhiên, luật không chỉ rõ thế nào là “phân biệt đối xử”.
Vào tháng 2, Hạ nghị sĩ Seo Dong-yong của Đảng Dân đề xuất dự luật tìm cách xác định chi tiết sự phân biệt đối xử đó. Điều này bao gồm việc sa thải, đình chỉ, cách chức, loại trừ khỏi việc thăng chức đúng hạn và các quyết định nhân sự trái với ý muốn của nhân viên.
Không con cái vẫn ổn
Khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái được cho là một trong những lý do lớn nhất khiến phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc không muốn kết hôn.
Tổ chức thăm dò địa phương PMI Research and Consulting gần đây tiến hành cuộc khảo sát trên 2.400 người nam và nữ độc thân trong độ tuổi 19-59. Trong đó, 68,6% phụ nữ cho biết họ không có ý định kết hôn. Con số này cao hơn đáng kể so với 53,9% nam giới cho biết họ không có kế hoạch kết hôn.
Hàn Quốc chứng kiến sự sụt giảm liên tục về số lượng vợ chồng mới cưới, từ 329.087 cặp năm 2011 xuống còn 192.507 vào năm 2021, theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.
Hơn nữa, một số lượng đáng kể đôi vợ chồng đang lựa chọn không có con.
Khảo sát PMI đề cập ở trên cũng cho thấy 53,2% đàn ông và phụ nữ đã kết hôn nói rằng họ không có kế hoạch sinh con. Khoảng 67,1% phụ nữ có gia đình không định sinh con cho biết lý do là “lo sợ sự nghiệp bị gián đoạn”.
Do đó, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc (số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến có trong đời) đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 0,78 vào năm 2022. Đây là con số thấp nhất trong số tất cả quốc gia thành viên của Tổ chức vì Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Với việc chính phủ Hàn Quốc cam kết nỗ lực để thúc đẩy sinh con, nhiều phụ nữ trẻ nói rằng văn hóa công sở của đất nước này phải thay đổi trước.
Lee, nhân viên văn phòng ở độ tuổi 30-39, cho biết người quản lý của nói đùa rằng cô đánh bại các ứng viên nữ khác khi ứng tuyển chủ yếu là nhờ chưa có con.
“Điều đó khiến tôi tự hỏi liệu mình có còn cơ hội không khi trở lại từ kỳ nghỉ thai sản. Bởi lẽ việc sinh con sẽ đặt tôi vào cùng hoàn cảnh như vậy”, cô nói.
Vài ngày trước khi tự tử, nhà phát triển của Naver từng tâm sự: “Tôi nghĩ công ty muốn sa thải mình. Tội lỗi duy nhất của tôi là nuôi nấng con tôi tốt nhất có thể”.
“Tôi đoán một bà mẹ đang làm việc là một tội ác”, gia đình tang quyến trích dẫn lời cô.