Ngày 25/2, HMD Global ra mắt Nokia G22. Đây là smartphone tập trung vào tính bền vững với khả năng thay thế linh kiện đơn giản, dành cho những người muốn dùng thiết bị lâu nhất có thể.
Mặt lưng của Nokia G22 dùng chất liệu nhựa tái chế, có thể tháo rời để thay các linh kiện bên trong. Bao bì điện thoại được làm từ giấy đạt chứng nhận FSC Mix, thể hiện nguồn gốc gỗ được tái chế và kiểm soát chặt chẽ.
HMD hợp tác với iFixit để cung cấp dụng cụ, linh kiện và hướng dẫn chi tiết, giúp người dùng tự thay nắp lưng, pin, màn hình và cổng sạc của Nokia G22.
Theo GSMArena, quá trình thay pin cho Nokia G22 mất khoảng 5 phút, với các dụng cụ như cây lấy SIM, phím gảy đàn và tua vít. Trong khi đó, việc thay màn hình mất khoảng 20 phút với một số dụng cụ bổ sung.
Nhà sản xuất đã cắt giảm một số công đoạn không cần thiết, ví dụ như hơ keo để tách nắp lưng hoặc dùng cồn để tháo pin.
Adam Ferguson, Giám đốc Marketing Toàn cầu của HMD Global cho biết khả năng thay thế linh kiện giúp người dùng tiết kiệm trung bình 30% chi phí so với việc mua điện thoại mới nếu máy cũ bị hỏng.
Nokia G22 sở hữu màn hình 6,53 inch HD+ tần số quét 90 Hz, kính cường lực Gorilla Glass 3. Máy trang bị camera trước 8 MP, cảm biến vân tay cạnh bên.
Về cấu hình, Nokia G22 dùng chip xử lý Unisoc T606 với RAM 4 GB, bộ nhớ trong tùy chọn 64 hoặc 128 GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD. Máy cài sẵn hệ điều hành Android 12, được cam kết cập nhật 2 phiên bản Android và 3 năm vá lỗi bảo mật.
Mặt sau của Nokia G22 trang bị 3 ống kính, gồm camera chính 50 MP, camera chiều sâu 2 MP và camera macro 2 MP. Máy sử dụng pin 5.050 mAh, hỗ trợ sạc có dây công suất 20 W.
Do hỗ trợ tháo nắp lưng để thay linh kiện, Nokia G22 chỉ trang bị chuẩn IP52, tương đương kháng tia nước nhẹ và hạt bụi nhỏ. Thiết bị dự kiến lên kệ tại Anh từ ngày 8/3 với giá 179 USD.
Những linh kiện thay thế được bán trên iFixit gồm pin (giá 27,5 USD), màn hình (53,8 USD) và cổng sạc (22,7 USD). Trong khi đó, bộ dụng cụ tháo lắp có giá 6 USD.
Vào cuối tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất quy định nhắm vào khả năng tái chế và bảo vệ môi trường của các loại pin sạc. Quy định được áp dụng cho toàn bộ vòng đời của pin, từ khai thác nguyên liệu đến khi bị tiêu hủy.
Trong đó, các hãng điện thoại, laptop cần thiết kế sản phẩm có pin tháo rời hoặc thay dễ dàng, bằng cách gỡ nắp lưng hoặc ốc vít.
Dưới sức ép của cơ quan quản lý, các hãng smartphone ngày càng tạo điều kiện để người dùng tự sửa thiết bị mà không cần mang ra trung tâm bảo hành.
Theo CNBC, Apple đã ra mắt chương trình tự sửa chữa, cho phép người dùng đặt mua linh kiện, thuê dụng cụ để sửa iPhone tại nhà từ tháng 11/2021. Các hãng Samsung và Google cũng triển khai dịch vụ tương tự.
"Khi người dùng ngày càng đòi hỏi tính bền vững và độ bền lâu dài của thiết bị điện tử, khả năng sửa chữa điện thoại dễ dàng với chi phí phải chăng sẽ trở thành yếu tố khác biệt", Ben Wood, nhà phân tích của CCS Insight cho biết.
Nếu được thông qua, quy định của EU sẽ áp dụng cho hầu hết loại pin, từ pin điện thoại di động, ắc quy SLI dùng trong xe hơi, ắc quy cho phương tiện giao thông hạng nhẹ (LMT), pin xe điện và pin công nghiệp.
HMD cũng giới thiệu 2 mẫu smartphone giá rẻ khác trước thềm triển lãm di động MWC 2023. Trong đó, Nokia C32 được cài sẵn Android 13, trang bị camera chính 50 MP, chip xử lý 8 nhân, màn hình 6,5 inch với giá 155 USD.
Sản phẩm còn lại là Nokia C22 với màn hình 6,5 inch, chuẩn kháng tia nước IP52, khe thẻ nhớ microSD, camera kép 13 MP và khung kim loại. Thiết bị có giá 131 USD, dự kiến bán ra trong mùa xuân năm nay.