Theo tờ Telegraph, Liên minh Châu Âu (EU) mới đây đã chính thức thông qua luật cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel kể từ năm 2035 trong bối cảnh Đức, vốn là những nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng ở Châu Âu, cực lực phản đối.
Để thông qua được quyết định này, EU đã cho phép Đức được bán những chiếc xe hơi sử dụng động cơ đốt trong truyền thống nếu như chúng sử dụng dạng nhiên liệu tổng hợp thân thiện hơn với môi trường (E Fuel). Những chiếc ô tô xăng và dầu diesel cũ thì vẫn sẽ phải tuân thủ lệnh cấm kể từ năm 2035.
Nhiên liệu tổng hợp (E Fuel) là dạng nhiên liệu hóa thành truyền thống nhưng có sử dụng các thành phần đồng hóa khí thải nhà kính, qua đó giúp động cơ đốt trong hoạt động bình thường mà vẫn thân thiện với môi trường.
Như vậy trong 27 nước thành viên EU thì chỉ có Ba Lan là bỏ phiếu chống bộ luật này, trong khi Italy, Romania và Bulgaria bỏ phiếu trắng.
Đại chiến?
Tờ Telegraph cho hay câu chuyện cấm xe hơi động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu hóa thạch truyền thống là một cuộc xung đột giữa các thế lực lớn tại Châu Âu.
Trên thực tế, Anh là quốc gia bắt đầu chiến dịch cấm ô tô truyền thống chạy xăng và dầu diesel sớm nhất trong khu vực và chúng dần dần được vận động hành lang để áp dụng trên toàn EU. Quốc gia này đã có kế hoạch cấm xe xăng từ thời Cựu thủ tướng Boris Johnson, dự kiến có hiệu lực từ năm 2030.
Tuy nhiên điều này lại khiến Đức, quốc gia nổi tiếng với nhiều thương hiệu xe hơi như BMW hay Volkswagen cực lực phản đối, đồng thời xây dựng nên một liên minh các quốc gia ngăn chặn dự luật mới này bao gồm Italy, Ba Lan, Bulgaria và Cộng hòa Séc.
“Bộ luật mới phải đi kèm với các điều kiện về việc xe hơi động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu tổng hợp được phép sử dụng, hoặc các sản phẩm ô tô truyền thống thân thiện với môi trường vẫn được cấp phép vận hành”, nghị sĩ Michael Theurer của Đảng FDP tại Đức, đồng thời là thành viên của Hội đồng Châu Âu phát biểu.
Trái ngược lại, Pháp lại là quốc gia ủng hộ tích cực nhất cho bộ luật mới này. Bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire cho biết họ sẵn sàng “chiến đấu” để bảo vệ dự luật này, đồng thời đã cố gắng suốt 2 năm qua để EU thông qua quy định cấm xe xăng chính thức trên toàn bộ khu vực.
“Chúng tôi sẵn sàng đấu tranh vì bộ luật này bởi càng chần chờ thì môi trường hay thậm chí cả nền kinh tế cũng sẽ chịu ảnh hưởng”, Bộ trưởng Le Maire nói với báo giới Pháp.
Vào tháng 2/2023, EU đã bỏ phiếu để thông qua một dự luật cấm xe xăng kể từ năm 2035 nhưng bị phản đối bởi liên minh của Đức. Dự luật này chỉ được thông qua khi EU xuống nước đàm phán, chấp nhận các điều khoản mới với thị trường Đức.
Hiện xe hơi chiếm 15% tổng lượng khí thải nhà kính ở EU và quy định mới yêu cầu các hãng sản xuất ô tô cắt giảm con số này xuống 0% vào năm 2035.
Sau khi dự luật được chính thức thông qua, nhiều chính trị gia đã ăn mừng về việc Châu Âu sẽ “sạch bóng” xe xăng kể từ năm 2050 khi ngành ô tô điện phát triển và các quy định dần siết chặt hơn nữa.
Mặc dù vậy, Phó chủ tịch EU, ông Frans Timmermans cảnh báo Trung Quốc sẽ đưa hơn 80 mẫu xe điện ra thị trường quốc tế trong năm ngoái và năm nay, bởi vậy nếu không muốn mất “sân nhà” thì các hãng ô tô Châu Âu cần phải tăng tốc hơn nữa.
“Những chiếc xe điện của họ (Trung Quốc) rất tốt và ngày càng rẻ hơn. Bởi vậy chúng ta cần cải tiến để có thể cạnh tranh được với họ, chúng ta không muốn để ngành này bị chiếm lĩnh bởi người ngoài”, ông Timmermans nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quy định là một chuyện nhưng thực hiện thì khó hơn rất nhiều.
Liệu có khả thi?
Như đã nói ở trên, dù Đức chấp nhận ký vào bản thỏa thuận nhưng nhiều nước liên minh chống đối như Italy, Romania hay Bulgaria lại vẫn bỏ phiếu trắng để bày tỏ sự bất bình.
Hiện Italy đang là quê hương của hàng loạt thương hiệu xe động cơ đốt trong chạy xăng nổi tiếng như Fiat, Alfa Romeo, Ferrari... Khoảng 270 lao động tại quốc gia này đang hoạt động trực tiếp lẫn gián tiếp trong ngành ô tô. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi Italy tỏ ra bất bình.
Thậm chí, Bộ trưởng giao thông Italy Matteo Salvini còn gọi luật cấm xe xăng mới này là một kế hoạch “tự sát” cho thị trường EU, chỉ đem lại lợi ích cho Trung Quốc trong khi dìm chết ngành công nghiệp lâu đời có đóng góp lớn cho cả nền kinh tế lẫn thị trường việc làm.
Trong khi đó, Bộ trưởng ngoại giao Italy Antonia Tajan thì tìm kiếm một thỏa thuận nhượng bộ hơn khi kêu gọi tỷ lệ giảm khí thải nhà kính từ 100% xuống 90% với xe xăng truyền thống.
Ngay cả tại Anh, việc chính phủ cố gắng cấm xe xăng từ năm 2030 cũng khiến nhiều người chỉ trích.
“Thời hạn cấm xe xăng và dầu diesel vào năm 2030 tại Anh là điều không khả thi. Trừ phi là chúng ta lùi thời hạn, bằng không các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh hết thị trường, mà thực ra thì họ cũng đã chiếm lĩnh rồi”, Cựu lãnh đạo đảng cầm quyền ở Anh, ông Iain Duncan Smith nói với tờ Telegraph.
“Nước Anh đang gặp nhiều khó khăn để giữ ngành ô tô trong nước, thế nhưng nếu chúng ta cấm xe xăng trước tiên ở Châu Âu thì việc thu hút đầu tư cũng như kích thích sản xuất với các thương hiệu xe nội địa sẽ gặp nhiều thách thức hơn nữa. Chính phủ nên lắng nghe những gì người Đức nói. Một nền kinh tế càng ít lệnh cấm thì càng dễ tăng trưởng hơn”, cựu chính trị gia thuộc đảng cầm quyền ở Anh, ông John Redwood đồng quan điểm.
“Việc chuyển đổi xe xăng sang ô tô điện không thể đặt thời hạn vào năm 2025 hay 2030 được mà cần thời gian lâu hơn. Điều này không chỉ liên quan đến chuyện kỹ thuật mà còn dính đến các ngành nghề kinh doanh, nền kinh tế, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng cũng như sự thích nghi của thị trường nữa”, thị trưởng Ben Houchen của Tees Valley-Anh đánh giá.
Bất chấp những lời phản đối, nhiều doanh nghiệp xe hơi Châu Âu đã phải thay đổi để thích nghi. Hãng Porsche của Đức đã đầu tư 75 triệu USD để xây nhà máy sản xuất nhiên liệu tổng hợp.
Tại Anh, Bentley đã quyết định chuyển hướng phát triển xe điện, còn Aston Martin và McLauren thì đang có hứng thú với nhiên liệu tổng hợp.
*Nguồn: Telegraph, Euronews