Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) vừa có công văn phản hồi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc giải trình giá cổ phiếu NVL giảm sàn 5 phiên giao dịch liên tiếp từ ngày 3/11 đến 9/11.
"Giá cổ phiếu NVL giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô", văn bản nói về cổ phiếu đang niêm yết trên HoSE.
Trên thực tế, cổ đông Novaland đang trải qua những ngày giao dịch rất khốc liệt bởi không chỉ giảm kịch sàn mà mã chứng khoán này cũng trong trạng thái mất thanh khoản, không có nhiều người mua.
Tính từ tháng 10 đến nay có đến 20 phiên giảm giá (trong đó có 5 phiên giảm sàn gần nhất), ngược lại chỉ có 5 phiên tăng, 3 phiên đi ngang. Đà giảm này cũng lưu ý nằm trong xu hướng lao dốc chung của nhóm bất động sản.
Thậm chí trong phiên sáng 11/10, tình trạng mất thanh khoản lại tiếp tục xuất hiện và nguy cơ về phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp vẫn hiện hữu. Thị giá hiện đã rơi về 44.950 đồng, tức mất phân nửa giá trị trong chuỗi lao dốc kể từ đầu tháng 10. Giá trị vốn hóa theo đó bốc hơi gần một nửa về dưới mốc 141.400 tỷ đồng.
Thị giá NVL rơi thẳng đứng trong các phiên gần đây. Đồ thị: TradingView.
Theo danh sách cổ đông, Novagroup là tổ chức sở hữu nhiều nhất với hơn 37% vốn của Novaland và Diamond Properties có hơn 10,4% cổ phần. Ngoài ra, tỷ phú Bùi Thành Nhơn nắm giữ trực tiếp gần 5% cổ phần (chưa kể phần sở hữu lớn của vợ và con trai).
Trong bối cảnh trồi sụt vừa qua, ông Bùi Cao Nhật Quân - con trai ông Bùi Thành Nhơn cũng vừa thông báo mua thành công 2 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 14/10 đến 3/11 để nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 83 triệu đơn vị, tương đương 4,269% vốn.
Trong một diễn biến khác, Novaland thông báo hủy ngày đăng ký cuối cùng 14/11 thực hiện quyền phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần (thưởng cổ phiếu). Việc tạm hoãn do lãnh đạo tập đoàn nhận thấy phương án này không còn phù hợp với tình hình hiện tại.
Tập đoàn địa ốc này thông tin thêm sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông về thời điểm triển khai phương án phát hành tại cuộc họp gần nhất.
Không chỉ tạm dừng tăng vốn, Novaland đang tiến hành "đại phẫu" các hoạt động như đưa ra nhiều chương trình ưu đãi bán hàng với tỷ lệ chiết khấu rất cao, điều chỉnh kế hoạch xây dựng các dự án lớn, tiết giảm lại các hạng mục hiện nay đang xây vượt tiến độ chưa cần thiết...
Đây cũng là giải pháp chung đang được nhiều doanh nghiệp bất động sản thực hiện trong bối cảnh khó khăn trăm bề từ việc siết chặt tín dụng ngân hàng và khó huy động vốn từ trái phiếu, chứng khoán.