Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 297 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 tăng 10,4% về lượng và tăng 8,1% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.651 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 5/2022 và giảm 2,1% so với tháng 6/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779 nghìn tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nửa cuối tháng 6/2022, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á tăng mạnh trở lại sau khi giảm trong nửa đầu tháng. Đáng chú ý, giá cao su Nhật Bản chạm mức cao nhất trong hai tuần do thị trường chứng khoán Tokyo mạnh lên và nhu cầu cao su tự nhiên tại Trung Quốc trong tháng 6/2022 được cải thiện hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên đà tăng vẫn bị hạn chế bởi nguồn cung của Thái Lan tăng do vào đợt khai thác mủ.
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong tháng 5/2022, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu tiếp tục cải thiện, với sản lượng đạt 991 nghìn tấn, tăng 5,3% so với tháng 4/2022; trong khi nhu cầu ước tính đạt 1,189 triệu tấn. Do đó nguồn cung thiếu hụt khoảng 198 nghìn tấn. ANRPC dự báo nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu trong các năm tới.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 6/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước giảm so với cuối tháng 5/2022. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 300-323 đồng/TCS, giảm từ 5-22 đồng/TCS so với cuối tháng 5/2022.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty Cao su Phước Hòa dao động ở mức 323-325 đồng/TSC, giảm 15-17 đồng/TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty Cao su Mang Yang thu mua với giá 295-305 đồng/TSC, giảm 10 đồng/TSC so với cuối tháng 5/2022.