Về thị trường nhập khẩu (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 5), 3 thị trường lớn nhất là Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc với kết quả lần lượt là: 30.022 chiếc, 614,47 triệu USD; 22.014 chiếc, 296,4 triệu USD; 4.553 chiếc, 172,7 triệu USD.
Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia thành viên ASEAN nên ô tô nhập khẩu từ hai nước này sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi, từ đó gia tăng mức độ cạnh tranh. Trong khi đó, Trung Quốc tuy không sở hữu các ưu đãi thuế quan như hai quốc gia ASEAN nêu trên nhưng thị trường tỷ dân này vẫn nắm giữ tầm ảnh hưởng đáng kể trên bức tranh nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam.
Với 56.589 chiếc, riêng 3 thị trường lớn ở châu Á chiếm đến 91,3% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.
Trước đó, vào tháng 5, lượng và kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm mạnh so với tháng 4.
Tháng 5 cả nước nhập khẩu 7.608 chiếc, kim ngạch đạt 191,2 triệu USD, giảm tới 38,3% về lượng và giảm 33,6% về kim ngạch so với tháng 4/2023.
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có chiều hướng giảm mạnh. Trước đó, tháng 4 lượng nhập khẩu chỉ đạt 12.323 chiếc, giảm 19,1% so với tháng 3/2023.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính có tổng cộng khoảng 37.000 ô tô mới được bổ sung cho thị trường Việt Nam trong tháng 5. So với số liệu ghi nhận ở kỳ báo cáo liền trước, nguồn cung ô tô cho thị trường Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm 4,5%.
Trong số này, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam theo ước tính chỉ đạt 10.000 xe cùng giá trị kim ngạch 270 triệu USD trong tháng 5. Tính từ đầu năm, ước tính đây sẽ là sản lượng nhập khẩu thấp nhất của nhóm hàng ô tô nguyên chiếc.
Như vậy theo ước tính của Tổng cục Thống kê, ô tô nhập khẩu trong tháng 5 đã giảm 18,9% về lượng và thấp hơn 6,3% về giá trị so với kỳ báo cáo trước.
Nếu so sánh với số liệu của cùng kỳ năm ngoái, ô tô nhập khẩu ở tháng giữa quý II ghi nhận mức sụt giảm đến 27,5% về số lượng và kém hơn 25,9% về giá trị kim ngạch.
Còn ở nhóm xe lắp ráp, sản lượng trong tháng 5 theo ước tính của Tổng cục Thống kê là 27.000 xe, tăng nhẹ khoảng 2,2% so với tháng 4 nhưng chỉ tương đương 67,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Là nhóm hàng có đóng góp lớn về số thu ngân sách nên việc sụt giảm lượng và kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tác động lớn đến số thu ngân sách của ngành Hải quan trong tháng 5.
Cục thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) phân tích, trong tháng 5 giảm thu từ mặt hàng ô tô lên đến 1.287 tỷ đồng so với tháng 4/2023.
Dù có 2 tháng sụt giảm liên tiếp nhưng tính chung 5 tháng đầu năm, ô tô nhập khẩu vẫn có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, hết tháng 5 cả nước nhập khẩu 61.954 ô tô, tổng kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD, tăng 22% về lượng và tăng 10,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 5/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 20.726 xe, giảm 8% so với tháng 4 trước đó và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số 20.726 xe bán ra toàn thị trường, có 14.483 xe du lịch, 6.096 xe thương mại và 147 xe chuyên dụng.
Doanh số xe du lịch giảm 8%, xe thương mại giảm 6% và xe chuyên dụng giảm 16% so với tháng trước đó. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.079 xe, giảm 9% so với tháng trước đó; doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.647 xe, giảm 5% so với tháng 4.
Đánh giá về xu hướng xe ô tô tiêu thụ toàn thị trường giảm sút trong 2 tháng liên tiếp (tháng 4 và tháng 5/2023), giới chuyên gia đánh giá nguyên nhân chủ đạo xuất phát từ việc kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, doanh nghiệp và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng đang có tâm lý chờ Chính phủ cho phép triển khai việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ.
Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đánh giá, mặc dù có sự cải thiện đáng kể nguồn cung nhưng tình hình ngành công nghiệp ô tô trong quý I/2023 vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh số bán hàng suy giảm. Điều này cho thấy những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam trong năm 2023.