Nếu muốn nói về những quốc gia ưa chuộng ô tô Nhật Bản nhất, Thái Lan chắc chắn sẽ được gọi tên.
Theo dữ liệu từ Marketline, trong năm 2022, 8/10 thương hiệu ô tô đạt doanh số tiêu thụ hàng đầu ở Thái Lan đều là các hãng xe Nhật Bản.
Tuy nhiên hiện nay, mặc dù chiếm phần lớn tại thị trường Thái Lan nhưng tốc độ tăng trưởng của hầu hết các thương hiệu Nhật Bản đã giảm đáng kể.
Điều này là do ngày càng có nhiều công ty sản xuất xe Trung Quốc đến Thái Lan. Vào tháng 6 năm nay, Neta, BYD và Ora chiếm top 3 trong danh sách xe điện đăng ký mới tại Thái Lan.
Tháng 9/2022, BYD đã ký thỏa thuận mua khoảng 96 ha đất tại tỉnh Rayong, Thái Lan để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2024, với sản lượng hàng năm đạt 150.000 xe .
Theo Jetro (Nhật Bản), thỏa thuận đã đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Thái Lan, lần đầu tiên soán ngôi Nhật Bản kể từ năm 1994.
"Ngôi nhà thứ hai"
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bắt đầu đầu tư vào Thái Lan từ những năm 1960.
Năm 1962, Siam Motor (Thái Lan) và Nissan (Nhật Bản) thành lập liên doanh và Nissan trở thành nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên xây dựng nhà máy tại Thái Lan.
Cùng năm, Toyota cũng thành lập liên doanh và xây dựng nhà máy tại Thái Lan. Năm 1968, nhà máy Toyota Thái Lan trở thành nhà máy duy nhất của Toyota xuất khẩu mẫu Corolla.
Sau đó, Honda và Isuzu cũng lần lượt vào Thái Lan và coi Thái Lan là một trong những cơ sở sản xuất xuất khẩu chính.
Theo thống kê, trong 60 năm qua, thương hiệu Toyota đã chiếm hơn 1/3 thị phần tại Thái Lan, trở thành "hãng ô tô quốc dân" tại xứ sở chùa vàng.
Toyota cũng đã mang lại cho Thái Lan một khoản lợi nhuận tương ứng cho doanh số bán hàng mạnh mẽ: Toyota và các công ty thuộc tập đoàn đã mang lại 275.000 việc làm, chiếm khoảng 4% GDP của Thái Lan. Toyota đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Thái Lan chỉ trong thập kỷ qua.
Dữ liệu từ Jetro cũng cho thấy, Nhật Bản chiếm 32% FDI của Thái Lan tính đến tháng 3/2022, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào thời điểm đó.
Với sự "thống trị" gần như tuyệt đối, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại Thái Lan như Toyota đã coi thị trường Thái Lan như một phần mở rộng của thị trường quê nhà trong nhiều thập kỷ.
Vào cuối năm ngoái, Toyota đã tổ chức một sự kiện nhân kỷ niệm 60 năm hoạt động kinh doanh tại Thái Lan, Chủ tịch Akio Toyoda phát biểu rằng: "Cá nhân tôi luôn coi Thái Lan là "ngôi nhà thứ hai" của mình. Nếu tôi không phải sống ở Nhật để làm việc... tôi sẽ sống ở đây!".
Tại sự kiện này, Toyota đã trình làng chiếc bán tải chạy điện đầu tiên của mình. "Tương lai của Toyota và Thái Lan rất tươi sáng và sẽ ngày càng tươi sáng hơn", ông Toyoda nói.
Nhưng chỉ vài tháng trước lễ kỷ niệm thành lập Toyota, nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua hơn 90 ha đất ở Rayong. Người bán, nhà phát triển bất động sản công nghiệp Thái Lan WHA, cho biết đây là giao dịch lớn nhất của công ty trong 25 năm.
"Chiến địa" Thái Lan
Theo AutoLife (Thái Lan), trong nửa đầu năm nay, các thương hiệu Trung Quốc chiếm 80% doanh số bán xe điện của Thái Lan. Trong số các thương hiệu Nhật Bản, Toyota bZ4X chỉ bán được 13 chiếc, tháng 6 chỉ bán được 1 chiếc, trong khi doanh số của Nissan trong tháng 6 là 0.
Mặc dù các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cuối cùng gia nhập lĩnh vực xe điện và lần đầu tiên chính thức xác nhận việc sản xuất xe điện ở Thái Lan vào năm ngoái nhưng việc chuyển đổi diễn ra quá muộn.
Cách đây 11 năm, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã bắt đầu thăm dò thị trường Thái lan.
Năm 2012, SAIC Motor (Trung Quốc ) và Tập đoàn Charoen Pokphand (Thái Lan) đã hợp tác đầu tư và xây dựng nhà máy tại Thái Lan. MG, thương hiệu của SAIC, cũng chính thức gia nhập thị trường Thái Lan vào năm 2014. Thông qua hợp tác với các công ty địa phương hàng đầu ở Thái Lan, MG đã phát triển thuận lợi ở Thái Lan và lọt vào top 10 thương hiệu ô tô hàng đầu ở Thái Lan vào năm 2021.
Năm 2019, MG ra mắt mẫu xe điện đầu tiên tại Thái Lan, đặt nền móng cho các công ty sản xuất ô tô Trung Quốc mở cửa thị trường thông qua phân khúc xe điện.
Năm 2020, Great Wall Motors mua lại một nhà máy ở Thái Lan và đầu tư 22,6 tỷ baht để tái thiết, trở thành công ty ô tô Trung Quốc thứ hai gia nhập Thái Lan. Mẫu Ora Funky Cat đã trở thành mẫu xe điện được ưa chuộng nhất tại Thái Lan và cháy hàng tại nhiều cửa hàng.
Vào tháng 9/2022, chiếc xe năng lượng mới thứ 10.000 của Great Wall Motor ở Rayong, Thái Lan đã lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp. 60% ô tô sản xuất tại Thái Lan của Great Wall Motors được bán ở Thái Lan và 40% được xuất khẩu sang thị trường ô tô nước ngoài.
Ngay sau đó, các công ty ô tô như BYD, Neta... cũng đưa ra kế hoạch xây dựng nhà máy tại Thái Lan.
Theo Nikkei, ông Hajime Yamamoto, trưởng bộ phận tư vấn về Thái Lan tại Viện nghiên cứu Nomura, cho biết các thương hiệu Trung Quốc có thể chiếm ít nhất 15 điểm phần trăm thị phần từ Nhật Bản trong 10 năm tới bằng cách tung ra các loại xe điện giá cả phải chăng.
"Sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chuyển sản xuất sang Thái Lan", ông dự đoán.
Dù vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đang đặt cược lớn vào Thái Lan. Honda Motor có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt xe SUV chạy hoàn toàn bằng điện ở Thái Lan vào năm 2023.
Một quan chức của Honda cho biết công ty chưa thể đầu tư lớn ngay trừ phi chắc chắn sẽ thu được đủ lợi nhuận.
Vị này nói: "Chúng tôi tin rằng thị trường xe điện ở Thái Lan vẫn còn đang trong những ngày đầu".