Người tiêu dùng tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á nên chuẩn bị cho tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên thêm 4 năm nữa. Lý do là các nền kinh tế giàu có hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã lũng đoạn thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu, giới phân tích cảnh báo.
S&P Global Platts cho biết giá thị trường của LNG tại Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 17/8 đã tăng lên mức cao nhất, kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, theo South China Morning Post.
Người chiến thắng là người trả giá cao nhất
Hai nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, bao gồm Korea Gas (Hàn Quốc) và Jera (Nhật Bản), vào tuần trước đã ra thông báo mời thầu để mua lượng lớn LNG tại thị trường giao ngay, nhằm dự trữ cho mùa đông và đảm bảo an ninh năng lượng đến năm 2024.
Nhật Bản và Hàn Quốc thể hiện họ sẵn sàng trả giá cao hơn để có được LNG từ Mỹ và Trung Đông. Trong khi đó, EU cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế cho Nga, song gần đây đã thừa nhận khả năng thiếu hụt không thể tránh khỏi trong mùa đông này.
Trong cuộc chiến giữa châu Âu và Đông Bắc Á để mua được LNG, “người chiến thắng sẽ là người mua nào có thể trả giá cao nhất”, Sam Reynolds, nhà phân tích năng lượng tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA) có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
“Bên thua cuộc sẽ là những quốc gia vừa phụ thuộc vào LNG nhập khẩu, vừa thiếu sức mạnh tài chính để mua nhiên liệu có giá cao hơn bằng đồng USD”, ông nói thêm.
Trước năm 2022, các dự báo đều nhận định rằng hơn 50% mức tăng trưởng nhu cầu LNG trên toàn thế giới cho tới năm 2025 sẽ đến từ các nền kinh tế đang phát triển ở Nam Á và Đông Nam Á, theo báo cáo hôm 15/8 của IEEFA.
Nhưng những dự đoán đó đã đổ bể vì EU đột ngột muốn loại bỏ dần khí đốt Nga, IEEFA nhận định.
IEEFA cũng cho rằng giá cao và sự tranh giành nguồn cung hạn chế đã khiến LNG không còn là lựa chọn hấp dẫn về mặt kinh tế, từ đó làm giảm doanh số bán LNG ở khu vực châu Á.
Nhập khẩu LNG của Ấn Độ giảm 10% trong 7 tháng đầu năm 2022, theo dữ liệu gần đây của Bloomberg New Energy Finance. Trong khi đó, lượng mua LNG của Pakistan giảm 6% và Bangladesh giảm 4%.
Thế khó của các nước đang phát triển
Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đều được dự báo phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt đáng kể cho đến năm 2026, khi một số dự án LNG mới ở Qatar và Mỹ dự kiến bắt đầu sản xuất.
Trung Quốc đã cắt giảm 20% lượng mua trên thị trường giao ngay so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giới phân tích cho biết Trung Quốc vẫn ở vào vị thế khá tốt vì đã đặt nhiều đơn hàng nhập khẩu LNG dài hạn trong những năm đầu đại dịch Covid-19, khi giá khí đốt thấp kỷ lục.
Nhập khẩu LNG của châu Á giảm hơn 6% trong khoảng thời gian tháng 1-7 so với cùng kỳ năm 2021. Ông Reynolds cho biết Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đã cắt giảm việc mua LNG do giá thành cao.
Bangladesh đã hoàn toàn rút khỏi thị trường giao ngay, trong khi Petronet LNG, nhà nhập khẩu hàng đầu của Ấn Độ, vào tuần trước đã hủy bỏ đấu thầu cho hợp đồng thời hạn 10 năm.
Nhiều nhà nhập khẩu LNG châu Á đã gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung trong những tháng gần đây.
Công ty Gazprom của Nga không thể thực hiện hợp đồng cung cấp dài hạn cho Gail, nhà phân phối khí đốt lớn nhất của Ấn Độ. Lý do của việc này là chi nhánh của Gazprom tại Singapore bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây vào tháng 6.
Trong khi đó, công ty Pakistan LNG dự kiến gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp cho hợp đồng có thời hạn 6 năm mà họ đưa ra vào đầu tháng này.
“Không phải tất cả quốc gia đều có khả năng nhập khẩu LNG vì phải tốn tới hàng trăm triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhiều năm để xin cấp phép”, Toby Copson, trưởng bộ phận kinh doanh và tư vấn toàn cầu tại công ty khí đốt Trident LNG, cho biết.
Trong khi đó, nhiều nền kinh tế đang phát triển tại châu Á “có khả năng nhập khẩu và có thể mua được” thì lại phải đối diện với cái giá quá cao, đáng chú ý nhất là trường hợp của Pakistan, ông nói.
“Điều này đã khiến Pakistan rơi vào tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng và gây ra tình trạng cắt điện luân phiên gần đây”, ông Copson nói thêm.
Giới phân tích nhận định tình hình này báo hiệu điềm xấu đối với các dự án nhập khẩu LNG trị giá gần 97 tỷ USD đang được phát triển tại châu Á.
“Cuối cùng, những hộ gia đình và doanh nghiệp ở các nước đang phát triển sẽ buộc phải gánh chịu cái giá của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu”, nhà phân tích Reynolds cho biết.
Theo giới phân tích, các nước đang phát triển ở châu Á sẽ phải gia tăng phụ thuộc vào các loại nhiên liệu rẻ nhưng gây ô nhiễm môi trường hơn như than đá và dầu.
Điều này sẽ tác động đến tốc độ của quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, ông Copson nhận định.
“Các quốc gia nghèo hơn thực sự không có lựa chọn nào dành cho nhiên liệu xanh hơn”, ông nói thêm, và cho biết đôi khi chi phí cho cơ sở hạ tầng là một rào cản.
Ông Copson nói cuộc chiến giành mua LNG giữa EU và các quốc gia Đông Bắc Á khiến những nước đang phát triển ở châu Á “phụ thuộc lâu hơn vào than đá và có ít lựa chọn xanh hơn”.