Hàng loạt các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những thay đổi lớn giống như sự ra đời của Internet. Thậm chí, theo các chuyên gia trong ngành, công nghệ không chỉ góp phần vào tăng năng suất kinh tế mà còn ảnh hưởng đến vấn đề thống trị quân sự.
Theo trang Market Insider, “Cuộc chạy đua vũ trang AI” chính thức bắt đầu vào năm 2017, khi Trung Quốc tuyên bố tham vọng trở thành “lãnh đạo” toàn cầu vào năm 2030. Cuộc đua giữa các nước diễn ra trên các mặt trận của tiến bộ công nghệ, trong đó, công nghệ AI đi đầu trong nỗ lực của các quốc gia.
Thế nhưng, có một sự thật là sẽ không thể có tiến bộ AI nếu không có công nghệ chip tiên tiến nhất. Chính vì vậy, nhằm chống lại tiến bộ AI của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn cản những bước tiến của Trung Quốc. Và trên thực tế, mặc dù, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, nhưng vẫn chậm hơn Mỹ vài năm trong lĩnh vực chip AI. Một vấn đề khác là tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp chip Trung Quốc cũng phụ thuộc vào các thiết bị sản xuất chip tiên tiến của phương Tây.
Năm ngoái, chính quyền Biden đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip và các thiết bị sản xuất chip nhằm ngăn chặn Trung Quốc đào tạo các mô hình AI. Đối với Trung Quốc khi đó, biện pháp trừng phạt này đã giáng một đòn nặng nề vào các công ty trong ngành.
Không dừng lại ở đó, Chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục bổ sung các kế hoạch hạn chế chip và thiết bị AI ở Trung Quốc nhằm đảm bảo gã khổng lồ châu Á luôn đứng sau Mỹ trong cuộc chiến mà nhiều người gọi là “Cuộc chạy đua vũ trang AI”. Thế nhưng, bản thân các nhà sản xuất chip của Mỹ cũng đang chịu thiệt hại không nhỏ trong làn sóng trừng phạt của chính chính phủ mình. Chính vì vậy, để bảo vệ thị phần của mình tại một thị trường béo bở như Trung Quốc, họ đã làm mọi cách để “lách quy định” của chính quyền.
Trung Quốc nỗ lực khai thác kẽ hở thông qua truy cập vào công nghệ hỗ trợ AI của Mỹ
Trong bối cảnh hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc, Nvidia đã thiết kế “Con chip Trung Quốc” có tên là A800, dù chỉ hoạt động ở tốc độ khoảng 70% so với tốc độ của GPU A100 được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu ở Mỹ, nhưng vẫn tốt hơn bất kỳ con chip nào được sản xuất tại Trung Quốc. Thế nhưng, trong kế hoạch hạn chế xuất khẩu mới này, chip A800 có nguy cơ sẽ bị cấm thực sự.
Trong khi các hạn chế tập trung vào chip vật lý, nhà cung cấp đám mây hàng đầu Amazon, Microsoft và Google hiện đang cung cấp quyền truy cập từ xa cho các khách hàng Trung Quốc vào sức mạnh tính toán của chip AI thông qua hợp đồng thuê dài hạn. Trung Quốc đã tăng cường sử dụng các ưu đãi này kể từ khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào năm ngoái. Vào tháng 3 năm nay, Nvidia cho biết họ cũng có kế hoạch cho các công ty Trung Quốc thuê sức mạnh siêu máy tính để tận dụng nhu cầu về công nghệ cao cấp của họ.
Để ngăn cản triệt để nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, chính phủ Mỹ đang có kế hoạch hạn chế các công ty Trung Quốc thuê dịch vụ đám mây. Nếu điều này vẫn chưa đủ, chính phủ sẽ cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty bán dẫn tiên tiến, AI và máy tính lượng tử ở Trung Quốc, để việc phát triển các công nghệ tiên tiến “Made in China” buộc phải chậm lại,
Doanh thu của các nhà sản xuất chất bán dẫn Hoa Kỳ sụt giảm
Trên thực tế, không chỉ các nhà sản xuất chất bán dẫn, doanh thu của các nhà cung cấp đám mây cũng đang bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, dù ở mức độ nhẹ hơn.
Nvidia kiểm soát khoảng 80% thị phần chip tăng tốc trong các trung tâm dữ liệu AI do Amazon, Alphabet và Microsoft điều hành, đồng thời thu khoảng 22% tổng doanh thu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, AMD, nhà sản xuất GPU lớn thứ hai thế giới đã giảm đáng kể doanh số bán hàng từ Trung Quốc, song thị trường Trung Quốc vẫn chiếm khoảng 1/4 tổng doanh thu của họ (mặc dù phần lớn doanh thu đó đến từ các sản phẩm không liên quan đến AI).
Tất nhiên, những hạn chế mới sẽ gây trở ngại nghiêm trọng cho cả doanh thu của Nvidia và AMD nếu không sớm tìm cách thích ứng. Thế nhưng, Citigroup cho biết nhu cầu về AI tại các thị trường toàn cầu sẽ vượt cung trong thời gian tới; Bank of America dự báo thị trường Trung Quốc sẽ chiếm chưa đến 10% tổng thị trường các chip tăng AI, dự kiến sẽ đạt hơn 100 tỷ USD.
Hoa Kỳ đã thành công lôi kéo hai đồng minh là Nhật Bản và Hà Lan, những nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip tiên tiến toàn cầu để cùng hạn chế xuất khẩu thiết bị sang Trung Quốc.
ASML hiện là nhà sản xuất thiết bị in thạch bản bán dẫn cao cấp duy nhất trên thế giới, vì vậy lệnh cấm xuất khẩu thiết bị của công ty này đã tác động đáng kể đến nỗ lực phát triển chip AI của Trung Quốc. Các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc gần như không thể sao chép sản phẩm của họ ít nhất trong một thập kỷ tới. Hiện nay, khi ngày càng có nhiều thị trường có nhu cầu nhập khẩu chất bán dẫn, lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc không tác động quá nhiều đến doanh thu của ASML.