Chỉ khoảng 5 phút đầu phiên chiều lượng hàng khổng lồ lại tuôn ra ở NVL, ép giá rơi trở lại mức sàn. Không chỉ vậy, lượng bán áp đảo hoàn toàn bên mua, tiếp tục chặn bán sàn hàng chục triệu đơn vị. NVL đã không được giải cứu thành công, gián tiếp thúc đẩy nhu cầu chốt lời nhanh ở các cổ phiếu khác.
Độ rộng đã co hẹp lại so với buổi sáng, kết phiên VN-Index chỉ còn 251 mã tăng/182 mã giảm, so với mức áp đảo toàn diện 335 mã tăng/95 mã giảm buổi sáng. Tuy vậy, số mã kịch trần không thay đổi nhiều, tập trung chủ yếu ở các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Thực tế mức ảnh hưởng của nhóm blue-chips lên các chỉ số chiều nay còn nhiều hơn buổi sáng. Không chỉ kìm hãm đà đi lên, nhiều trụ tụt giá sâu còn khiến VN-Index mất 8,53 điểm cuối phiên, tương đương giảm 0,89% so với mức tăng 0,13% cuối phiên sáng. VN30-Index đóng cửa thậm chí giảm 1,19%.
Chiều nay NVL giao dịch thêm khoảng 15,6 triệu cổ nữa, với trên 90% tập trung ở 30 phút đầu tiên buổi chiều. Dường như nhà đầu tư vẫn hăm hở bắt giá sàn, nhưng sau đó lượng bán xuất hiện quá nhiều và liên tục chất vào dư bán sàn làm nản lòng bên mua. Cuối phiên NVL chỉ đóng cửa với 293.300 cổ, trong khi vẫn dư bán sàn và ATC khoảng 20 triệu cổ. PDR “nhìn” NVL mà giao dịch, cũng mất thanh khoản và dư bán sàn tổng hợp gần 119 triệu cổ.
Độ rộng co hẹp lại đáng kể trong buổi chiều cũng cho thấy áp lực bán ra đã tăng lên. VN-Index bị kéo xuống dần từ sáng, nhưng sang chiều nhóm blue-chips yếu đi nhiều hơn, khiến tâm lý chốt lời cũng mạnh thêm để vớt vát lợi nhuận còn lại. Thống kê rổ VN30 có 22/30 mã tụt giá so với buổi sáng, nhiều mã đảo chiều từ tăng thành giảm. ACB giảm tới 3,55% so với phiên sáng và đóng cửa giảm 1,21%; GAS tụt 2,67%, chốt giảm 1,89%; VRE tụt 2,6%, chốt giảm 0,57%; GVR tụt 4,55%, đóng cửa giảm 3,08%; TCB tụt 3,1%, đóng cửa giảm 1,8%... Nhóm VHM, VIB, VIC, VJC cũng bốc hơi hơn 2% so với buổi sáng và đều giảm mạnh thêm so với tham chiếu.
Ảnh hưởng nặng nhất tới VN-Index lúc đóng cửa là VIC, VHM, VCB, MSN và GAS. Top 5 mã này đã khiến chỉ số mất 8,7 điểm, tức là nhiều hơn cả mức giảm tổng thể. Phía tăng chỉ có BID tăng 2,68%, VNM tăng 2,05%, PLX tăng 3,56%, SSI tăng 1,55%. Đối với VN30-Index, TCB và NVL thay thế VCB, GAS. Đó là nguyên nhân vì sao số cổ phiếu tăng giá nhiều hơn giảm, nhưng hai chỉ số quan trọng nhất vẫn giảm.
Midcap chốt phiên tăng 0,72%, Smallcap tăng 0,68%. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch có phần tích cực hơn, ít bị tác động bởi đợt chốt lời ngắn hạn, dù hầu hết cũng tụt giá. Cụ thể, chỉ số Midcap lúc đạt đỉnh tăng tới 3,22%, Smallcap đỉnh điểm tăng 2,84% so với tham chiếu.
Mặc dù về tổng thể các blue-chips giảm nhiều hơn tăng, nhưng các nhóm ngành chủ yếu vẫn là phân hóa. Ngân hàng có VCB, TCB, ACB rơi sâu, ảnh hưởng tới chỉ số nhưng vẫn tới 13/27 mã nhóm này tăng trên 1%, vơi EIB tăng kịch trần. Cổ phiếu bất động sản có NVL, PDR, HPX giảm sàn mất thanh khoản, hơn chục mã khác giảm từ 1% trở lên, nhưng cũng có cả chục mã kịch trần. Nhìn chung khả năng diễn biến giá cổ phiếu lúc này phụ thuộc nhiều vào năng lực cung cầu tại chỗ của từng mã.
Chiều nay NVL và PDR không giao dịch nhiều được, nên thanh khoản tại HoSE giảm tới 38% so với phiên sáng, chỉ đạt 5.861 tỷ đồng. Tuy vậy thanh khoản vẫn là tăng tốt, ngay cả khi trừ giao dịch của NVL và PDR thì giá trị khớp của HoSE vẫn đạt gần 11.400 tỷ đồng, tăng 53% so với hôm qua.
Khối ngoại phiên chiều cũng tăng mua hỗ trợ thị trường. Tính riêng chiều, HoSE nhận thêm 851,6 tỷ đồng mua vào từ khối này, trong khi bán ra là 492,5 tỷ đồng. Mua nhiều hơn bán giúp vị thế của khối ngoại từ bán ròng 103,6 tỷ đồng buổi sáng thành mua ròng 255,5 tỷ đồng cả ngày. VNM được mua tốt nhất với 74,5 tỷ đồng ròng, SSI +67,3 tỷ, MBB +63,4 tỷ, BID +38,8 tỷ, HPG +32,7 tỷ. Phía bán có DGC -68,3 tỷ đồng ròng và NVL -30,3 tỷ, GEX, VCB bị bán ròng trên 20 tỷ.