Sunita Sharma, giáo viên ở New Delhi, và bạn trai cũ từng lên kế hoạch tổ chức hôn lễ vào cuối năm 2019. Thời điểm đó, cô đã tiết kiệm được 2.000 USD từ tiền lương hàng tháng 200 USD của mình để chi trả cho đám cưới, theo Al Jazeera.
Nhưng chừng đó thôi vẫn chưa đủ. Mẹ của Sharma đã phải bán mảnh đất của gia đình để sắm của hồi môn cho con gái. Số tiền còn lại dùng để đặt nơi tổ chức tiệc, thuê ban nhạc địa phương và phục vụ bữa tiệc có 200 khách mời.
Tuy nhiên, yêu cầu vào phút cuối từ cha của vị hôn phu đã khiến Sharmas hốt hoảng. Ông muốn con trai mình được tặng một chiếc ôtô. Sunita nói rằng chiếc xe nằm ngoài khả năng chi trả của gia đình cô.
"Chồng chưa cưới của tôi nói nếu muốn hợp thức hóa đám cưới thì phải đáp ứng điều kiện về xe hơi. Cuối cùng, đám cưới đã bị hủy bỏ", Sunita kể.
Đám cưới của người Ấn Độ là dịp trọng đại thường quy tụ hàng trăm, hàng nghìn khách mời, những bữa tiệc và địa điểm xa hoa. Cô dâu và chú rể diện trang phục và trang sức bắt mắt.
Nhưng hôn lễ đắt đỏ cũng gây áp lực tài chính lên các gia đình, khi phải chi những khoản tiền lớn để gây ấn tượng với họ hàng hai bên.
Những đám cưới dát vàng
Nhiều cặp đôi ở Ấn Độ kết hôn từ tháng 11 đến tháng 2, đây được coi là mùa cưới, khoảng thời gian tốt lành trong năm.
Theo Nikkei Asia, liên đoàn thương nhân toàn Ấn Độ (CAIT) ước tính rằng 3,2 triệu đám cưới diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2022. Các hôn lễ tổ chức trong thời gian này tạo ra 3.750 tỷ rupee (46 tỷ USD) cho các doanh nghiệp trong ngành cưới, tăng mạnh so với 2.500 tỷ rupee vào năm 2019.
Theo Tiến sĩ Ranjana Kumari, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Xã hội có trụ sở tại New Delhi, đám cưới hoành tráng của những người giàu có và nổi tiếng đã đặt ra những tiêu chuẩn cao không tưởng cho tầng lớp trung lưu và người nghèo, gây ra áp lực xã hội không cần thiết.
Năm 2018, đám cưới của Isha Ambani, con gái của tỷ phú Mukesh Ambani, được đồn đoán tiêu tốn 100 triệu USD. Lễ cưới với sự tham gia của những vị khách như Hillary Clinton và Beyonce liên tục được đưa tin trong nhiều ngày.
Lễ cưới kéo dài 5 ngày vào năm 2016 của con gái ông trùm khai khoáng Gali Janardhana Reddy với chi phí ước tính 74 triệu USD có thiệp mời dát vàng, 50.000 khách mời và các vũ công samba đến từ Brazil.
Năm 2004, trong hôn lễ trị giá 60 triệu USD kéo dài một tuần của Vanisha, con gái của ông trùm thép Lakshmi Mittal, với chủ ngân hàng đầu tư Amit Bhatia ở London, khoảng 1.000 khách mời, bao gồm cả các ngôi sao Bollywood, đã bay tới Pháp.
Các sự kiện bao gồm màn bắn pháo hoa ở Tháp Eiffel và buổi biểu diễn riêng của Kylie Minogue.
Theo Kumari, sự xa hoa này không hề phù hợp với một đất nước mà hàng triệu người đang đói khổ. Ấn Độ xếp thứ 94 trong số 107 quốc gia được đánh giá trong Chỉ số Đói nghèo Toàn cầu năm 2020 với mức độ nghèo đói được xếp vào loại "nghiêm trọng".
Theo báo cáo, 14% người Ấn Độ bị suy dinh dưỡng và 34,7% trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc.
Chi tiêu cao cho đám cưới cũng không phù hợp ở một đất nước có sự bất bình đẳng xã hội rõ ràng. Ngày nay, 1% người giàu nhất nắm giữ gấp 4 lần tài sản của 70% người nghèo nhất đất nước, tương đương 953 triệu dân, theo báo cáo của Oxfam.
Ảnh hưởng của Bollywood
Các nhà quan sát cho rằng, Bollywood hay ngành công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo áp lực chi tiêu quá tay cho đám cưới.
"Trong phim Ấn Độ, tiệc cưới là những sự kiện vô cùng hào nhoáng với trang phục sang trọng, các bài hát và điệu nhảy ở các địa điểm có phong cảnh đẹp. Vì điện ảnh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với đại chúng, việc miêu tả như vậy tạo ra khát vọng trong mọi tầng lớp thanh niên cũng muốn bắt chước sự lộng lẫy đó trong đám cưới của chính họ", Kumari nói.
Một số người cho rằng sự gia tăng của các chuỗi thời trang toàn cầu ở các thành phố hạng hai và hạng ba của Ấn Độ đang tiếp tục tạo ra cơ hội tiêu dùng tại các đám cưới ở mọi tầng lớp.
Pratibha Chahal, nhà xã hội học ở Mumbai, cho biết: "Ngày nay, mọi người đều thích những món đồ hàng hiệu. Thêm vào đó là xu hướng thuê người tổ chức đám cưới, nhà tạo mẫu, người thiết kế hoa và nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám cưới khác. Tất cả chi phí này đẩy số tiền tổ chức đám cưới tăng cao".
Chalal nói rằng vào trước những năm 1970, đám cưới ở Ấn Độ chủ yếu là sự kiện gia đình và mọi người tự nấu nướng, trang trí nhà cửa.
Veena Trikha, giáo viên có con trai kết hôn 2020, cho biết: "Đám cưới của người Ấn Độ ngày nay thiên về việc thể hiện sự giàu có và địa vị của một người. Nó khiến các gia đình trung lưu chịu áp lực xã hội phải chi tiêu nhiều hơn, duy trì văn hóa tiêu dùng quá mức".
Nỗi ám ảnh với đồ trang sức bằng vàng, cũng được coi là điềm lành, là một yếu tố khác góp phần vào việc bội chi.
"Người Ấn Độ có thể thế chấp tài sản, vay tiền để đảm bảo có đủ vàng trưng bày trong đám cưới. Ở một số vùng, vàng là của hồi môn. Ngay cả những bậc cha mẹ nghèo nhất cũng sẽ cố gắng cho con gái ít nhất một sợi dây chuyền vàng để giữ thể diện", Kumari nói thêm.
Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, mua gần 700 tấn vào năm 2019. Hơn một nửa nhu cầu này là dành cho trang sức cô dâu, theo Chahal.
Giá vàng hôm 10/1 đạt mức cao nhất trong 8 tháng qua. Ramesh Kalyanaraman, Giám đốc điều hành của Kalyan Jewelers, cho biết điều này không ngăn các cặp vợ chồng sắp cưới mua vàng cho ngày trọng đại.
"Trang sức vàng không phải là phụ kiện thời trang, nó thực sự là một phần của mọi phong tục và nghi lễ", ông nói.
Kalyanaraman cho biết ở một số thành phố của Ấn Độ, cha mẹ bắt đầu mua vàng cho con gái từ khi mới chào đời và sẽ tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập khi con lớn lên. Nhiều món trong số đó được sử dụng trong ngày cưới của họ.