Zing chia sẻ câu chuyện tài chính cá nhân của Nguyễn Kim Yến (38 tuổi), hiện là chuyên gia tái thẩm định khách hàng định chế tài chính tại một ngân hàng thương mại.
Kim Yến từng mua nhà ở Hà Nội, đầu tư đất ở khu vực Hải Phòng và Khánh Hòa. Ở tuổi 38, sau khi kết hôn 2 năm, cô quyết định cùng chồng "gap year" (nghỉ ngơi) để đi du lịch và học hỏi thêm về cuộc sống.
2 lần mua nhà
Tôi là sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội học đại học nên luôn mong muốn có một căn nhà để “an cư lạc nghiệp”. Ngoài ra, căn nhà cũng giúp tôi giải quyết vấn đề “sĩ diện" khi bà hàng xóm hỏi “cháu đã mua nhà chưa?”.
Tôi mua căn nhà đầu tiên năm 2010, lúc 26 tuổi. Lúc đó là thời kỳ đỉnh điểm đất sốt nóng, giá nhà tăng vùn vụt nên tôi lo sợ càng ngày mình càng không có khả năng mua nhà. Vì vậy, tôi đã đánh liều mua một căn hộ tập thể ở Phố Khâm Thiên. Căn hộ không hề có giấy tờ nhà đất mà chỉ là giấy viết tay. Đây là một sai lầm tai hại mà tôi luôn nhắc bạn bè của mình tránh xa.
Do không thích điều kiện sống ở khu vực đó nên sau khoảng 3 năm, tôi bán lại cho hàng xóm bằng giá gốc, chưa đến 500 triệu đồng.
Năm 2015, tôi mua căn nhà thứ 2. Sau một thời gian dài tìm hiểu, tôi chốt mua một căn chung cư giá cả vừa phải, cả khu có hồ điều hòa và có mật độ xây dựng không quá đông đúc. Nhà rộng 70 m2, có 2 phòng ngủ, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Vì không dư dả về tiền bạc nên tôi phải mua nhà trả góp, chỉ cần đóng tối thiểu 30%, ngân hàng cho vay tối đa 70%.
Khi đó tôi đã vay mức 60% giá trị căn nhà, khoảng 600 triệu. Số tiền còn dư và những tích cóp về sau được dùng cho dự phòng; hoàn thiện nhà sau này hoặc có thể trả nợ sớm nếu muốn.
Sau đó, tôi không ở nhà mà lại cho thuê lại vì cơ quan ở trung tâm Hoàn Kiếm, cách nhà 14 km. Thời gian di chuyển vào giờ cao điểm khoảng 1,5 tiếng/ngày, chưa kể mưa nắng gió bão.
Thay vào đó tôi vẫn quyết định ở nhà thuê. Tôi may mắn tìm được một căn nhà sạch sẽ, thoáng mát, có ban công rộng, đi bộ đi làm chỉ mất 5 phút. Vì ở thuê nên tôi học cách sống đơn giản hơn, ít mua sắm linh tinh hơn. Tiền cho thuê căn hộ tôi dùng để bù vào khoản tiền đi thuê nhà.
Khi cả khu căn hộ hoàn thiện khang trang đẹp đẽ, người dân vào ở đầy đủ, tôi nghĩ đó là thời điểm tốt nhất để bán. Khu vực nhà tôi không phải như trung tâm thành phố, quỹ đất eo hẹp nên không thể hy vọng càng để lâu càng sinh lời.
Tính từ khi tôi nộp xong 95% tiền nhà đến khi bán là khoảng 2 năm, tiền lời (không tính tiền cho thuê nhà) ở mức 35%. Tôi hài lòng với mức lợi nhuận này.
Đối với rất nhiều người, việc sở hữu một căn nhà mang lại cảm giác an tâm vì đó là tài sản của mình. Từ đó, họ mới có động lực phấn đấu kiếm thêm thu nhập hoặc là thăng tiến trong công việc.
Rủi ro tài chính tiềm ẩn khi bạn mua căn nhà quá sức chi trả. Hàng tháng phải trả khoản nợ quá lớn khiến không còn ngân sách dự phòng cho các rủi ro bất ngờ xảy đến. Ngoài ra, mọi người cũng nên tránh tư duy giá nhà tăng nghĩa là mình giàu lên. Khi mua nhà để ở, nên tính đến các yếu tố cho chất lượng cuộc sống.
Nhiều người vì suy nghĩ cố gắng mua một lần cho xong, hoặc có chút sĩ diện mà mua căn nhà quá với khả năng của mình. Vậy là hàng tháng chỉ đủ tiền lo trả nợ, không còn tiền đầu tư cho tương lai của chính bản thân và tương lai của con cái; cuộc sống gò bó túng thiếu khi chỉ đủ chi trả cho những nhu cầu cơ bản vậy là ảnh hưởng đến tương lai và hạnh phúc gia đình.
Đầu tư BĐS và quyết định "gap year"
Tôi bắt đầu quan tâm tới bất động sản tại các tỉnh thành khác. Những vùng/thành phố đang được đầu tư cơ sở hạ tầng nên phát triển nhanh chóng. Theo đó, tôi nhận định mức sinh lời của đất sẽ tốt hơn chung cư.
Sau khi bán nhà, tôi dùng số vốn này mua một mảnh đất nền, 2 mảnh đất dự án. Ngoài ra, tôi vẫn dư tiền mua vàng và ít cổ phiếu.
Tại thời điểm năm 2018, tôi mua một mảnh thổ cư và 2 mảnh đất trong dự án của một chủ đầu tư lớn. Vì đất theo dự án chỉ phải nộp tiền theo tiến độ và khi chủ đầu tư tăng giá cho đợt ra hàng mới, tôi bán sang tay luôn. Giá một mảnh tăng 50% sau 3 tháng, một mảnh tăng 30% sau 2 tháng, mảnh còn lại vẫn giữ nguyên.
Sau khi bán, tôi tiếp tục mua một mảnh khác và vẫn giữ đến hiện giờ. Đó là mảnh đất 260 m2, mặt đường Quốc lộ tại một tỉnh rất có tiềm năng phát triển. Hiện giờ cả 2 mảnh đất đều tăng tối thiểu 100% theo định giá thị trường.
Do dư tiền mà không có mảnh đất ưng ý nên tôi đã phân bổ tài sản theo tỷ lệ 65% đất, 30% vàng, 20% cổ phiếu, 5% crypto.
Tôi may mắn khi đầu tư đúng thời điểm giá vàng tưởng như đã cao nhưng lại càng tăng cao thêm, các loại tài sản khác cũng tăng giá tốt. Khi có kế hoạch "gap year", tôi đã bán phần lớn cổ phiếu và vàng để làm ngân sách. Số tiền đầu tư vào crypto không lớn nên tôi vẫn giữ lại.
Theo tôi, đầu tư gì cũng có cơ hội và rủi ro. Đừng vội vàng khi nghe các môi giới hô hào “mua đất không bao giờ lỗ”, “đây là thời kỳ vàng của BĐS, không còn cơ hội thứ 2”. Quan trọng là bạn cần kế hoạch dự phòng, làm sao để trường hợp xấu nhất xảy ra, BĐS đóng băng, cổ phiếu trắng bên mua hay vàng sụt giảm giá nhưng vẫn phải duy trì được chất lượng cuộc sống như bình thường.
Năm nay, tôi và chồng quyết định "gap year" khi đã tạm hoàn thành mục tiêu tài chính. Hiện tại, chúng tôi có số tiền tích lũy đủ để 7 năm sống mà không cần làm việc.
Không có một con số cho mọi người trong việc xác định sự ổn định và vững chắc và ổn định của tài chính cá nhân.
Thời gian gần đây rất nhiều người nhắc đến tự do tài chính với nguyên tắc 25. Tức là bạn có thể tự do tài chính và nghỉ hưu sớm (nếu muốn) khi đã tích lũy được 25 lần mức chi tiêu 1 năm.
Hai vợ chồng tôi hiện giờ nếu muốn cũng có thể coi là đã đạt được tự do tài chính. Nhưng đó là do bản thân tôi không có nhiều nhu cầu, không bao giờ tiêu xài hoang phí, không sở hữu hàng hiệu hay xe hơi.
Ngoài ra, tôi nghĩ còn một nguyên tắc nữa để đảm bảo ổn định vững chắc đó là mức độ tiền mặt mà bạn tích lũy để đảm bảo cho các trường hợp khẩn cấp. Chúng bao gồm tiền mặt và tài sản thanh khoản nhanh như vàng, trái phiếu chính phủ. Cũng không có con số cụ thể mà tùy từng cá nhân xác định số tiền mình cần tích lũy.
Tôi chỉ tạm nghỉ việc không hưởng lương 1 năm sau đó sẽ vẫn tiếp tục quay lại công việc chính chứ không nghỉ hưu. Trong thời gian "gap year" này, 2 vợ chồng tôi không chỉ đi du lịch. Ông xã tôi học thêm về lập trình còn tôi học tiếng Đức và lập kênh YouTube để chia sẻ với mọi người về cuộc sống con người và phong cảnh tuyệt đẹp ở những nơi mình đã đi qua.
Tôi vẫn ở thuê vì quá hài lòng với căn nhà thuê và cuộc sống hiện tại. Ngoài ra, 2 vợ chồng tôi đều thống nhất đầu tư thời gian và tiền bạc cho các kỹ năng, kiến thức mới.
Tạm thời trong tương lai gần, chúng tôi sẽ sống ở Việt Nam nhưng có thể sau một thời gian sẽ muốn chuyển sang một đất nước khác sinh sống. Vì vậy 2 vợ chồng đều thống nhất có thể đến khi nghỉ hưu, xác định rõ muốn sống ở vùng nào, khi đó mới mua nhà.