Một trong những nhiệm vụ gần đây mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành ngân hàng nói chung là: "Tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay".
Dưới góc nhìn của TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đây lại là một nhiệm vụ mà ngành ngân hàng cần cố gắng làm trong thời điểm hiện tại, mặc dù đây là thách thức rất lớn.
Theo ông Phước, đây không phải đơn giản về vấn đề tài chính, lợi nhuận mà là phạm trù khác, liên quan đến sự chia sẻ của các tổ chức tín dụng trong một mục tiêu lớn của đất nước là ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia này, nếu chênh lệch lãi suất cho vay và huy động thấp xuống thì tất yếu lợi nhuận hệ thống ngân hàng thương mại thấp xuống. Điều này gây ra 2 hệ quả là sụt giảm lương của cán bộ nhân viên hệ thống ngân hàng thương mại và cổ tức của các cổ đông đầu tư vào hệ thống ngân hàng cũng thấp xuống.
Đây là những cái mất mát không nhỏ mà người làm ngân hàng thì phải gánh chịu nhưng sẽ được bù đắp bằng cái được trong tương lai.
Phải thấy rằng nếu lãi suất cho vay tăng nhanh, đồng nghĩa doanh nghiệp phải đi vay với chi phí cao và hoạt động của họ khó khăn lên. Có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể trả được vốn vay.
Bài học cho vấn đề này đã được minh chứng rất rõ trong giai đoạn 2008 và 2009. Lãi suất cho vay cao để lại hậu quả là các doanh nghiệp không có khả năng trả vốn. Kéo theo tình hình nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng đột biến ở những năm 2012 và vài sau đó.
"Vậy thì phải nói một điều, chúng ta cần nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau để chia sẻ khó khăn. Sự chia sẻ đó cũng như một loại vaccine để ngừa bất trắc để xảy ra cho hệ thống ngân hàng khi mà mặt bằng lãi suất cho vay bị đẩy lên cao", ông Phước nói.
Cũng theo ông Phước, việc kìm hãm đà lên của lãi suất cho vay sẽ được nhà quản lý tiền tệ tạo ra những lợi ích khác, chẳng hạn việc tái cấp vốn lãi suất thấp. Nguồn vốn này sẽ hoà với các dòng vốn đang có để hạ thấp chi phí vốn. Mức hạ thấp có thể không tương xứng với phần lợi nhuận bị mất đi nhưng cũng mang tính chất động viên cho các ngân hàng thương mại.
"Thực tế hệ thống ngân hàng đã có kinh nghiệm mấy chục năm nay. Cũng đã từng trải qua thời khắc sự hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ người vay tiền. Do đó, tôi tin rằng hệ thống sẽ có cách để ổn định lãi suất cho vay. Ổn định ở đây là tăng không quá nhiều", ông Phước nói.
Nói thêm về việc tăng lãi suất điều hành vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, ông Phước cho hay, không thể lấy con số tăng tuyệt đối 1% của Việt Nam so với mức tăng 0,75% của Mỹ để nói Việt Nam tăng lãi suất mạnh hơn.
"Bởi, sau dịch Covid-19, Fed bắt đầu tăng lãi suất từ 0% lên 0,5% và rất nhiều lần 0,75%. Trên nền 0% đó thì việc tăng lãi suất là lớn. Trong khi, sau dịch, Việt Nam vẫn có lãi suất huy động 5-6% nên mức tăng 1% không lớn", ông Phước lý giải.
Nhìn chung, ông Phước cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam rất linh hoạt, có thể thích ứng nhanh với các diễn biến quốc tế. Nhà điều hành tiền tệ bám sát thực tế và dùng các phương pháp khoa học để tạo ra môi trường tâm lý tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, sự dẫn dắt cho tâm lý tốt không chỉ là việc vẽ ra các kỳ vọng. Thực tế, các chỉ số kinh tế vĩ mô 9 tháng đang rất tốt. Ngoài ra, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ chính cho nền kinh tế và các chính sách tài khoá để kiềm chế lạm phát cũng đang có những bước tiến mới.
"Chính sách tiền tệ cũng cần rất thận trọng trong thời điểm này. Vì những tác động tương hỗ giữa lạm phát, lãi suất, tỷ giá có tính công phạt cao. Một chính sách nào đó sai thì sẽ lan toả vào thị trường. Nhưng may mắn Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng xử ở cả chính sách tài khoá và tiền tệ", ông Phước nêu quan điểm.