Động thái này nhằm nâng cao khả năng "cạnh tranh" của Mỹ với Trung Quốc - theo trang Politico (Mỹ).
Theo CBC, Tổng thống Biden đã đến thăm Canada vào ngày 24/3 (giờ địa phương) và có cuộc gặp với Thủ tướng Trudeau. Để giảm sự phụ thuộc vào các "đối thủ cạnh tranh" về nguyên liệu thô cần thiết cho xe điện, đồ điện tử và các sản phẩm khác, hai nước có kế hoạch hợp tác để tạo ra một "chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế".
Chuỗi cung ứng khoáng sản Bắc Mỹ
Tuyên bố chung được công bố trên trang web của Nhà Trắng cho biết, Mỹ và Canada hy vọng sẽ thiết lập một "chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng mạnh mẽ và kiên cường ở Bắc Mỹ" để đảm bảo và phát triển việc khai thác, chế biến, chế tạo và tái chế các khoáng sản quan trọng ở hai nước, từ đó thực hiện "đa dạng hóa" chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, xe điện, chất bán dẫn, hàng không vũ trụ và quốc phòng...
Tuyên bố chung nêu rõ rằng, năm ngoái, căn cứ vào các điều khoản của "Đạo luật sản xuất quốc phòng", Mỹ đã quyết định cung cấp cho các công ty của Mỹ và Canada khoản tài trợ 250 triệu USD để khai thác và chế biến khoáng sản quan trọng cho ngành công nghiệp xe điện và pin. Chính phủ Mỹ sẽ công bố danh sách các công ty nhận được đầu tư vào mùa xuân này.
Hai ông Biden và Trudeau cũng thông báo rằng, "Quỹ cơ sở hạ tầng khoáng sản quan trọng của Canada" sẽ cung cấp 1,5 tỷ đô la Canada (khoảng 1,1 tỷ USD) để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng sạch cần thiết cho ngành khai thác mỏ, đồng thời đầu tư thêm 1,5 tỷ đô la Canada để phát triển sản xuất khoáng sản tiên tiến, năng lực xử lý và tái chế.
CBC cho biết, không rõ công ty Canada nào có thể nhận được đầu tư, nhưng các quan chức Canada đã đệ trình lên Chính phủ Mỹ một danh sách bao gồm ít nhất 70 dự án có thể xin tài trợ của Mỹ.
Trong bài phát biểu tại Hạ viện Canada vào ngày 24/3, Tổng thống Biden nói: "Canada có lượng lớn khoáng sản quan trọng, rất quan trọng đối với chiến lược năng lượng sạch của chúng tôi và ngành năng lượng sạch toàn cầu. Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội hợp tác rất lớn. Điều này cho phép mọi thứ cần thiết cho chuỗi cung ứng của Canada và Mỹ đều có nguồn gốc và được cung cấp ở Bắc Mỹ."
Ông Biden tuyên bố rằng, việc này sẽ tạo thành một "mối quan hệ đối tác lý tưởng", nghĩa là Canada chịu trách nhiệm khai thác khoáng sản và Mỹ chế biến các sản phẩm từ những nguyên liệu thô này. "Chúng tôi không có khoáng sản để khai thác, nhưng các bạn có thể."
Mỹ thúc đẩy giảm phụ thuộc Trung Quốc
Ngoài ra, hai ông Biden và Trudeau cũng đang cố gắng khuyến khích nhiều công ty trong nước tham gia vào ngành bán dẫn. Tuyên bố chung nêu rõ, Mỹ có kế hoạch đầu tư 50 triệu USD để khuyến khích các công ty Mỹ và Canada đầu tư vào ngành đóng gói linh kiện bán dẫn; Canada cũng sẽ phân bổ 250 triệu đô la Canada (khoảng 182 triệu USD) cho các dự án về chất bán dẫn trong thời gian tới.
Canada là nhà sản xuất niobi - một vật liệu quan trọng trong ngành hàng không vũ trụ - lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Niobium Canada
Trang Politico chỉ ra rằng, Canada là quốc gia phương Tây duy nhất có trữ lượng coban, than chì, lithium và niken phong phú; và những tài nguyên khoáng sản này rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp như xe điện. Canada cũng là nhà sản xuất niobi - một vật liệu quan trọng trong ngành hàng không vũ trụ - lớn thứ hai thế giới, và là nhà sản xuất indi - một trong những nguyên liệu thô chính để chế tạo chất bán dẫn và ô tô tiên tiến - lớn thứ tư thế giới.
Theo Politico, mục đích Mỹ đầu tư vào ngành công nghiệp khoáng sản then chốt của Canada rõ ràng là để tăng cường khả năng “cạnh tranh” với Trung Quốc và “giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”. Đồng thời, Canada cũng đang tìm kiếm đầu tư của Mỹ vào ngành chế biến khoáng sản để tạo thêm việc làm và thu nhập.
Nhưng CBC đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh ngành công nghiệp xe điện đang mở rộng nhanh chóng, tốc độ phát triển của ngành khai thác mỏ Canada vẫn chưa rõ liệu có thể theo kịp hay không. Các nhóm kinh doanh - do Hiệp hội khai thác mỏ British Columbia đại diện - đã cảnh báo Ottawa rằng, quy trình cấp phép và ủy quyền quá phức tạp có thể khiến Canada "bỏ lỡ cơ hội". Chính phủ Canada hứa hẹn sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt.