Sau 2 năm nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ đại dịch, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã có những động thái nâng lãi suất để “ghì cương” lạm phát. Đi đầu trong xu hướng này là Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED). Trước đây, FED đã từng đánh giá “bão giá” chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, ngay sau đó cơ quan này đã phải đảo ngược những nhận định của mình vì tình hình đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trong tuần này, FED cũng đã quyết định lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm. Mặt bằng lãi suất cho vay qua đêm cũng được nâng lên mức 3% - 3,25%, mức cao nhất tính từ tháng 1 năm 2008.
Ngân hàng Nhà nước sau đó cũng đã tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%. Không ít ngân hàng thương mại cũng ngay lập tức tăng kịch trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và điều chỉnh tăng thêm lãi suất ở kỳ hạn dài khi các quyết định chính thức có hiệu lực.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán đã có những phản ánh nhất định. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.203,28 điểm, giảm 11,42 điểm so với phiên ngày hôm trước. Nếu so với đầu năm, chỉ số này đã giảm hơn 20%. Cổ phiếu ngân hàng cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc thị giá giảm sâu đã giúp không ít cổ phiếu của các nhà băng được đưa về mức định giá hấp dẫn trong nhiều năm trở lại đây.
Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, cổ phiếu ngân hàng liệu sẽ đi về đâu là câu hỏi được nhiều người quan tâm và cũng có khá nhiều ý kiến chuyên gia nhận định. Để cung cấp thêm góc nhìn tới độc giả, chúng tôi đã tham vấn ông Lã Giang Trung - CEO của Passion Investment.
Theo ông, việc NHNN tăng lãi suất sẽ có tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?
Ông Lã Giang Trung: Về mặt vĩ mô, chính sách của NHNN là rất phù hợp và kịp thời. Vì việc tăng lãi suất sẽ giúp VND mạnh hơn, tiếp tục hỗ trợ cho việc duy trì tỷ giá ổn định từ giờ tới cuối năm.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán ở nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, việc tăng lãi suất sẽ làm cho kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn và khiến dòng tiền dịch chuyển khỏi các lớp tài sản rủi ro để về với tài sản không rủi ro là tiền gửi. Thị trường chứng khoán cũng không là ngoại lệ. Việc dòng tiền rời đi sẽ khiến cho thanh khoản thị trường có thể tiếp tục sụt giảm.
Thứ hai, lãi suất làm chi phí vốn tăng lên và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Ngoài ra, khi lãi suất tăng lên, nền kinh tế cũng có thể tăng trưởng chậm lại, gián tiếp tác động lên kết quả kinh doanh của các công ty.
Thứ ba, lãi suất tăng sẽ làm cho định giá giảm xuống, mức P/E chấp nhận của thị trường chứng khoán sẽ thấp xuống.
Vì vậy, việc tăng lãi suất sẽ luôn luôn tạo áp lực làm thị trường chứng khoán sụt giảm và chu kỳ đi xuống của thị trường chứng khoán sẽ chỉ kết thúc khi chính sách tiền tệ được nới lỏng trở lại.
Khi lãi suất tăng, kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Ông Lã Giang Trung: Tăng lãi suất chính là làm tăng giá nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng. Nếu không tăng được lãi suất đầu ra tương ứng với phần lãi suất huy động đầu vào tăng thêm, biên lãi ròng (NIM) ngân hàng sẽ bị kéo giảm. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng sẽ hạ xuống, vì lãi suất tăng sẽ khiến cho dòng tiền nằm trên tài khoản thanh toán tìm đến các kênh tiền gửi có kỳ hạn. Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có một số ảnh hưởng nhất định.
Lãi suất tăng cũng làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và nó sẽ tác động đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Khi tình trạng tài chính ở hộ gia đình và các tổ chức kinh tế ngày càng trở nên khó khăn, việc chi phí tài chính bị nâng lên cũng góp phần kéo nợ xấu cao hơn.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ không tốt như những năm trước. Khi lãi suất đầu vào tăng, room tín dụng bị hạn chế, và nếu thêm áp lực từ nợ xấu gia tăng, tình hình sẽ có thể khó khăn hơn cho các ngân hàng, lợi nhuận cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.
Một số ý kiến cho rằng cổ phiếu ngân hàng đang có định giá rẻ, quan điểm của ông thì sao và nhà đầu tư nên hành xử thế nào với cổ phiếu ngân hàng?
Ông Lã Giang Trung: Thị trường sẽ tiếp tục sụt giảm trong giai đoạn cuối năm để đi tiếp chu kỳ giảm giá. Tuy nhiên, tốc độ giảm sẽ chậm lại và thị trường sẽ đi xuống từ từ. Cơ hội vẫn có ở một số cổ phiếu có triển vọng vượt trội so với thị trường chung, song khả năng lựa chọn được cổ phiếu đem lại lợi nhuận trong chu kỳ giá xuống của thị trường là rất khó.
Quan điểm của tôi là trong một thị trường giá xuống thì nhà đầu tư có dòng tiền ngắn hạn chỉ nên đầu tư một tỷ trọng nhỏ vào thị trường chứng khoán, hoặc nếu cảm thấy khó khăn quá thì có thể cầm toàn bộ tiền mặt để đợi khi chu kỳ giá xuống kết thúc. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, nếu chấp nhận thời gian đầu tư 3-5 năm thì có thể mua dần các cổ phiếu tốt có định giá hấp dẫn và để đó. Tuy nhiên, phải chấp nhận được rủi ro là các cổ phiếu này vẫn có thể giảm thêm từ 10-30% nữa.
Với việc tăng lãi suất và kinh tế chậm lại, có thể nói giai đoạn tăng trưởng tốt nhất trong một chu kỳ kinh doanh đã đi qua. Thông thường, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ rất tốt ở giai đoạn bùng nổ của nền kinh tế và có một số khó khăn ở giai đoạn tăng trưởng có phần trầm lắng. Vì thế, triển vọng trong những tháng cuối năm nay và cả năm sau là không quá tốt cho nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhà đầu tư chỉ nên quay lại nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và lãi suất ở mức thấp.
Xin cảm ơn ý kiến của ông!