Tuy nhiên, theo tờ báo Financial Times, đằng sau tin vui đó lại là một cuộc khủng hoảng đang hình thành ở Gazprom, khi công ty này ngày càng chật vật vì mất đi thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Không giống như kỳ vọng, châu Âu đã quyết tâm “cai” khí đốt Nga và về cơ bản đã làm được. Vì vậy, Gazprom - “con át chủ bài” của Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây giữa bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine - đã rơi vào thế khó.
“Gazprom hiểu rằng họ sẽ không bao giờ có lại được một miếng bánh lớn và ngon như thị trường châu Âu. Và họ phải chấp nhận thực tế đó. Cách duy nhất bây giờ là tìm kiếm những nguồn doanh thu nhỏ hơn và dần phát triển lên. Phải gom vụn bánh vậy”, ông Marcel Salikhop, người đứng đầu Viện Năng lượng và Tài chính - một tổ chức nghiên cứu của Nga - nhận định với Financial Times.
Tìm thị trường thay thế là việc khó
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia Rossiya 1 vào cuối tuần vừa rồi, ông Putin thừa nhận Nga trước đây có nhiều lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng hơn bây giờ, nhưng ông phủ nhận việc mất thị trường đang gây ra thách thức đối với Nga. “Trước đây có thể vui hơn, nhưng mặt khác, việc bớt phụ thuộc vào năng lượng cũng tốt hơn, vì các lĩnh vực phi năng lượng trong nền kinh tế Nga đang phát triển”, nhà lãnh đạo nói.
Không lâu sau khi chiến tranh nổ ra, Nga quyết định giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu - động thái khiến giá khí đốt tăng vọt đủ để bù đắp cho sự sụt giảm của lượng xuất khẩu. Nhưng hiệu ứng này không duy trì lâu.
Lợi nhuận trước thuế của Gazprom đạt kỷ lục 4,5 nghìn tỷ rúp, tương đương 49,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng giảm 40% còn 2,7 nghìn tỷ rúp chỉ 1 năm sau đó. Lợi nhuận ròng “bốc hơi” khoảng 1 nghìn tỷ rúp, còn 255 tỷ rúp.
Các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Nga - một tổ chức nghiên cứu nhà nước - thậm chí dự báo báo cáo tài chính cả năm 2023 sẽ cho thấy Gazprom không còn có lãi nữa, và đến năm 2025, số lỗ ròng có thể lên tới 1 nghìn tỷ Rúp.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) đã cho thấy khả năng tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế tốt hơn so với nhiều người nghĩ: tỷ trọng của khí đốt Nga trong tổng nhập khẩu khí đốt của khối này đã giảm từ mức hơn 40% vào năm 2021 xuống còn 8% vào năm ngoái, theo dữ liệu của EU. Cùng với đó, giá khí đốt tại châu Âu cũng giảm sâu từ mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào những ngày đầu của chiến tranh. EU đặt mục tiêu đến năm 2027 chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng hoá thạch từ Nga.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn vừa rồi, ông Putin nói Nga vẫn ổn sau khi châu Âu dừng mua khí đốt Nga, nhờ “thăm dò các tuyến xuất khẩu khí đốt khác và tập trung vào nỗ lực khí hoá của mình”.
Tuy nhiên, Financial Times nói rằng trên thực tế, Nga không thể tìm được thị trường có thể thay thế hoàn toàn thị trường châu Âu. Gazprom đã cố gắng tìm khách mới, nhưng các thoả thuận cung cấp khí đốt cho các nước Trung Á và việc tăng nhẹ lượng cung ứng khí đốt cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bù được 5-10% thị phần bị mất ở thị trường châu Âu - theo ông Salikhov. Để đạt được thay đổi lớn, Nga cần rót vốn đầu tư khổng lồ vào các đường ống dẫn khí đốt và hạ tầng khác để phục vụ các thị trường mới, và việc này cũng đòi hỏi sự tham gia của các đối tác nước ngoài - trong khi những đối tác như vậy tỏ ra chưa hề vội vã.
Khi chiến tranh mới bùng nổ, Gazprom có vẻ như ở một vị thế tốt hơn nhiều so với các công ty xuất khẩu năng lượng khác của Nga, vì không giống như dầu thô Nga, khí đốt của nước này không chịu bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của phương Tây. Nhưng câu chuyện đã đi theo một hướng khác vào tháng 9/2022, khi một vụ nổ dưới biển gây hư hại Nord Stream, đường ống vận chuyển 40% khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu. Sự cố này khiến Nga suy giảm mạnh khả năng sử dụng khí đốt như một đòn bẩy trong cuộc đối đầu với châu Âu. Sau đó, cả Moscow và phương Tây cùng đổ lỗi cho nhau về vụ nổ đường ống này.
"Mô hình kinh doanh của Gazprom không còn nữa"
Đối với Gazprom, thị trường Nga luôn tiêu thụ một tỷ trọng lớn hơn trong sản lượng khí đốt của công ty, và thị trường trong nước đã giúp Gazprom trụ vững khi không còn bán được khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, giá khí đốt bán trong nước thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu, nên cũng không thể bù được sự mất mát thị phần đó. Gazprom phải bán khí đốt trong nước theo giá điều tiết của nhà nước, trong khi những đối thủ như Rosneft và Novatek có thể đưa ra mức giá chiết khấu để thu hút khách lớn.
“Mô hình kinh doanh của Gazprom, bao gồm tạo ra lợi nhuận khổng lồ từ thị trường châu Âu… giờ đây không còn nữa”, cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Vladimir Milov - “kiến trúc sư” cải cách ở Gazprom hồi đầu thập niên 2000 - nhận định.
Hiện nay, Chính phủ Nga là đối tượng hưởng lợi chính từ lợi nhuận của Gazprom. Không lâu sau khi chiến tranh nổ ra, Moscow đã áp thêm khoản thu hàng tháng 50 tỷ rúp lên công ty này cho tới năm 2025.
Gazprom sẽ không bao giờ là một cỗ máy in tiền khổng lồ nữa. Thay vì đạt được lợi nhuận lớn, công ty có nguy cơ sẽ phải nhận trợ cấp của nhà nước.
Nhà phân tích Ron Smith, BCS Global Markets
Xuất khẩu khí đốt Nga sang Trung Quốc đã tăng lên, nhưng khối lượng vẫn còn tương đối ít. Năm ngoái, Nga bán cho Trung Quốc 22 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống, chỉ bằng một phần nhỏ so với lượng xuất khẩu bình quân hàng năm 230 tỷ mét khối sang thị trường châu Âu trong vòng 1 thập kỷ trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.
Triển vọng bán khí đốt cho Trung Quốc sẽ được cải thiện nếu Nga đạt thoả thuận về việc xây dựng đường ống Power of Siberia 2 dài 3.550 km nối Trung Quốc với các mỏ khí đốt mà Nga vốn cung cấp cho châu Âu. Đây sẽ là đường ống dẫn khí đốt khổng lồ thứ hai giữa Nga và Trung Quốc, đi qua Mông Cổ. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh hiện chưa đạt nhất trí về dự án này.
Và theo giới phân tích, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, đường ống Power of Siberia 2 sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng xong, và cũng không thể bù đắp hoàn toàn sự mất mát doanh số ở thị trường châu Âu.
Trong khi đó, xuất khẩu khí hoá lỏng (LNG) của Nga dù đang tăng dần mới chỉ tương đương một phần nhỏ của xuất khẩu khí đốt qua đường ống trước chiến tranh. Novatek - một công ty tư nhân - đang chiếm phần lớn xuất khẩu LNG của Nga, còn Gazprom thiếu hạ tầng chuyên biệt để hoá lỏng khí và vận chuyển thành phẩm.
Mảng kinh doanh dầu của Gazprom là Gazprom Neft đã trở thành nguồn sống chính của công ty, đóng góp 36% doanh thu và 92% lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm. Năm ngoái, giá trị vốn hoá thị trường của Gazprom Neft thậm chí vượt cả vốn hoá của công ty mẹ.
Chuyên gia Sergei Vakulenko của tổ chức nghiên cứu Carnegie Russia Eurasia Center, từng là trưởng chiến lược của Gazprom Neft, nhận định: “Dầu thô bây giờ không phải là một mảng kinh doanh phụ của Gazprom, không phải là trái cherry trên chiếc bánh mà là cả một lớp bánh”. Tuy nhiên, ông Vakulenko nói tình trạng của Gazprom hiện nay “không tốt, không xấu” và khẳng định “công ty này chưa đến mức bên bờ vực sụp đổ”.
Nhà phân tích Ron Smith của công ty nghiên cứu BCS Global Markets ở Moscow cũng cho rằng vị thế tài chính của Gazprom chưa đến mức “thảm hoạ”, nhưng vận may và triển vọng của Gazprom có thể sẽ không bao giờ được như trước.
“Gazprom sẽ không bao giờ là một cỗ máy in tiền khổng lồ nữa. Thay vì đạt được lợi nhuận lớn, công ty có nguy cơ sẽ phải nhận trợ cấp của nhà nước”, ông Smith nhận xét.