Theo tờ Wall Street Journal, việc liệu Fed có tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm như kỳ vọng hay không có vẻ sẽ tuỳ thuộc một phần vào cách phản ứng của thị trường với vụ sáp nhập giữa hai “gã khổng lồ” ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS và Credit Suisse, cũng như các biện pháp khác mà nhà chức trách triển khai để kiểm soát sự lây lan rủi ro trong hệ thống. Cuộc họp của Fed sẽ bắt đầu vào ngày thứ Ba và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư, với quyết định lãi suất được đưa ra vào đầu giờ chiều theo giờ Washington, tức rạng sáng ngày thứ Năm theo giờ Việt Nam.
Trong 1 năm qua, Fed đã nỗ lực định hình kỳ vọng về lãi suất một cách chuẩn xác nhằm tránh gây bất ngờ và giảm thiểu biến động trên thị trường tài chính. Cho tới gần đây, Fed chưa lần nào phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đột ngột và khó lường ngay trước một cuộc họp chính sách như lần này. Ở thời điểm ngày thứ Hai, nhà đầu tư vẫn cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất, với thị trường lãi suất tương lai đặt cược khả năng 75% cho mọi động thái như vậy - theo số liệu của CME Group.
Hai lựa chọn đầy khó khăn cho Fed
Các nhà hoạch định chính sách trong Fed với quan điểm cho rằng việc cho vay và các hoạt động tài chính khác đang có nguy cơ lớn bị thắt chặt đột ngột vì cú sốc trong hệ thống ngân hàng có thể ủng hộ việc không tăng lãi suất. Ngược lại, những người xem đó chỉ là vấn đề tạm thời, có thể kiểm soát được hoặc không đáng kể có thể muốn tiếp tục tăng lãi suất để “giảm nhiệt” nền kinh tế và kéo lạm phát xuống.
“Cuộc họp này sẽ là một quyết định đầy khó khăn, với cách thức truyền đạt cũng cực kỳ khó khăn”, giáo sư William English thuộc trường quản lý Yale, một cựu chuyên gia kinh tế của Fed, nhận định với Wall Street Journal.
Một động thái tăng lãi suất sẽ tái khẳng định cam kết của Fed trong việc chống lại áp lực giá cả trong nền kinh tế vốn đang đi ngược lại dự báo sớm giảm tốc của nhiều chuyên gia kinh tế. Nhưng lựa chọn đó sẽ làm gia tăng biến động thị trường, có thể gây ra suy thoái kinh tế, và đòi hỏi các nhà chức trách phải có những hành động can thiệp tốn kém hơn để ổn định hệ thống tài chính.
Trong vòng 1 năm qua, Fed đã có 8 lần nâng lãi suất liên tiếp, đánh dấu chu kỳ thắt chặt mạnh tay nhất kể từ thập niên 1980. Đợt nâng mới đây nhất diễn ra vào tháng 2, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,5-4,75%. Bước nhảy này là sự giảm tốc từ cú tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 và 0,75 điểm phần trăm vào tháng 11 năm ngoái.
Cách đây 2 tuần, ông Powell hàm ý rằng các nhà hoạch định chính sách Fed sẽ thảo luận về việc tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm hay nửa điểm phần trăm, sau khi các báo cáo kinh tế gần đây cho thấy tuyển dụng, chi tiêu và lạm phát đều tăng tốc vào đầu năm so với dự báo.
Nhưng rồi xảy ra ba vụ sụp đổ liên tiếp của ba ngân hàng Mỹ, trong đó Silicon Valley Bank (SVB) bị khách hàng rút gần 1/4 tổng lượng tiền gửi chỉ trong 1 ngày. Để trấn an cơn hoảng loạn của thị trường, các nhà chức trách liên bang đã bảo lãnh cho toàn bộ tiền gửi tại SBV và một ngân hàng sụp đổ khác là Signature Bank. Cùng với đó, Fed cũng cung cấp thêm các khoản vay với kỳ hạn lên tới 1 năm cho các ngân hàng thương mại, đi kèm là các điều khoản dễ chịu hơn.
Chưa ai dám chắc các biện pháp đó đã giúp hệ thống ngân hàng Mỹ “cầm máu” một cách chắc chắn hay chưa. Trong tháng 3 này, giá cổ phiếu một ngân hàng khu vực khác là First Republic Bank đã giảm hơn 80%.
Biến động trong hệ thống ngân hàng rất có thể sẽ dẫn tới sự giảm sút của hoạt động cho vay, ngay cả trong trường hợp kịch bản tốt nhất là cuộc khủng hoảng không xấu đi, bởi các ngân hàng sẽ phải đối mặt với sự giám sát gia tăng của cơ quan chức năng và từ chính cả đội ngũ lãnh đạo ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro.
Theo một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs, việc các ngân hàng siết chặt cho vay vì căng thẳng hệ thống sẽ có hiệu ứng tương đương với việc Fed nâng lãi suất nửa điểm phần trăm.
Lập luận của phe muốn Fed tăng lãi suất
Trong một năm qua, giới chức Fed đã nhiều lần thừa nhận rủi ro mà ở đó họ buộc phải cùng lúc chóng lại hai vấn đề là lạm phát và bất ổn tài chính. Một số đã nói Fed sẽ sử dụng các công cụ cho vay khẩn cấp, chẳng hạn như những công cụ đưa ra vào tuần trước, để bình ổn hệ thống tài chính và từ đó tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.
Ông Powell đã rất cố gắng để nâng cao uy tín với tư cách là một chiến binh chống lạm phát. Nếu ông ấy không tăng lãi suất lần này, thì ông ấy đang đi ngược lại hướng đó, nhất là xét tới các số liệu kinh tế gần đây.
Nhà kinh tế học Ellen Meade thuộc Đại học Duke
“Sử dụng chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề mất ổn định tài chính có thể dẫn tới những hệ quả bất lợi cho nền kinh tế. Chính sách tệ không nên bị coi là một công cụ đa năng”, Chủ tịch Fed John Williams nhận định hồi tháng 11/2022.
Các số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy tiền lương và áp lực giá cả vẫn mạnh. Lạm phát đã giảm vào cuối năm ngoái, nhưng lại quay đầu tăng trong tháng 1-2. Một số cựu quan chức Fed nhận thấy việc tiếp tục tăng lãi suất, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm, là hợp lý nếu cuộc khủng hoảng ngân hàng không chuyển biến xấu hơn. “Tôi muốn khuyến nghị Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Nếu họ dừng tăng lãi suất, người ta sẽ đặt câu hỏi: ‘Hay là Fed đang biết điều gì mà chúng ta không biết’”, ông Richard Clarida, người từng giữ vị trí Phó chủ tịch Fed từ 2018-2022, phát biểu.
Một số khác lo ngại việc dừng tăng lãi suất có thể dẫn tới chính sách tiền tệ tập trung thái quá vào nhiệm vụ chống bất ổn thị trường tài chính và nhiệm vụ chống lạm phát bị ngó lơ. “Ông Powell đã rất cố gắng để nâng cao uy tín với tư cách là một chiến binh chống lạm phát. Nếu ông ấy không tăng lãi suất lần này, thì ông ấy đang đi ngược lại hướng đó, nhất là xét tới các số liệu kinh tế gần đây”, nhà kinh tế học Ellen Meade thuộc Đại học Duke, một cựu cố vấn của Fed, phát biểu.
Nếu cuộc khủng hoảng ngân hàng nhanh chóng xuống thang mà Fed dừng tăng lãi suất, vấn đề lạm phát sẽ trở nên trầm trọng hơn vì sự kết hợp giữa khủng hoảng xuống thang với lãi suất không tăng thêm sẽ dẫn tới sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường tài chính và tương đương với nới lỏng điều kiện tài chính. “Vấn đề của việc không tăng lãi suất là thị trường sẽ đặt cược ràng Fed sẽ giảm lãi suất trong một cuộc họp rất gần”, chuyên gia Angel Ubide của công ty quản lý quỹ phòng hộ Citadel nhận định.
Phe muốn dừng tăng lãi suất nói gì?
Nhưng cũng có những cựu quan chức Fed nhận thấy khả năng thuyết phục cho việc Fed dừng tăng lãi suất trong tuần này.
“Chẳng ai lại đi ‘đổ dầu vào lửa’ bằng cách tăng lãi suất đúng vào lúc điều kiện tài chính đang thắt chặt vì một cú sốc tài chính. Tăng 0,25 điểm phần trăm vào lúc này sẽ chỉ có hiệu ứng rất khiêm tốn đối với việc chống lạm phát, nhưng có thể gây ra tác động phóng đại đối với điều kiện tài chính”, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren, phát biểu.
Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất thời gian qua là để có thêm thời gian cho việc phân tích, đánh giá hiệu quả của những đợt tăng lãi suất mạnh trong năm ngoái. “Nếu bạn đang đi đường dài và gặp thời tiết sương mù hoặc tuyến đường nguy hiểm, sẽ là hợp lý nếu bạn giảm tốc độ”, Chủ tịch Fed chi nhánh Dalas, bà Lorie Logan, phát biểu hồi tháng 1.
Các cựu quan chức Fed đã bàn đến ý tưởng cho rằng một động thái dừng tăng lãi suất của Fed sẽ thổi bùng mối lo về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng hoặc làm suy yếu quyết tâm chống lạm phát của ngân hàng trung ương này.
“Người ta nói về uy tín của Fed trong vấn đề chống lạm phát, nhưng uy tín của Fed được duy trì tốt nhất thông qua việc Fed làm những việc hợp lý cho nền kinh tế”, ông Rosengren nói.
Ngay cả khi nguy cơ xảy ra rút vốn ồ ạt khỏi các ngân hàng khác được triệt tiêu hoàn toàn, vẫn có thể có thêm nhiều ngân hàng đối mặt với áp lực phải tăng lãi suất tiền gửi. Điều đó sẽ hạn chế hoạt động cấp vốn tín dụng, mà hạn chế đó chính là một trong những mục tiêu của Fed trong việc tăng lãi suất - theo ông Jeremy Stein, một cựu quan chức Fed.
Kết quả là, việc Fed bỏ qua tăng lãi suất trong lần họp này sẽ không gây tổn thất gì cho cuộc chiến chống lạm phát. “Có thể nói rằng những gì đang diễn ra đã làm bớt một phần công việc của Fed. Nếu Fed truyền đạt điều này một cách hiệu quả, thì lựa chọn giữa tăng và không tăng lãi suất sẽ ít gây ra hệ quả hơn so với cách mà bạn có thể giải thích”, ông Stein nói.
Các cuộc khảo sát người tiêu dùng và doanh nghiệp về kỳ vọng lạm phát tương lai - điều mà nhiều chuyên gia kinh tế cho là một nhân tố chi phối lạm phát thực tế - đã giữ vững hoặc giảm trong những tháng gần đây. Kỳ vọng như vậy có thể củng cố lập luận rằng Fed nên dừng tăng lãi suất trong lần họp này.
Ông Clarida, người hiện là cố vấn kinh tế toàn cầu của công ty quản lý đầu tư Pimco, nói ông lo rằng nếu không tăng lãi suất, Fed sẽ khó giải thích, xét tới độ mạnh của các hoạt động kinh tế và lạm phát trong thời gian gần đây. Nhưng ông nói thêm: “Nếu người ta nghĩ là Fed có thể đi đến quyết định dừng tăng lãi suất, họ sẽ cởi mở thảo luận về việc đó”.