Trong báo cáo định kỳ hàng tháng mới nhất được Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố ngày 14/6, nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ vượt mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 tới đây và mức trung bình nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu cả năm 2022 sẽ đạt 100,29 triệu thùng/ngày – cao hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Giá dầu thô đã liên tục tăng cao trong nhiều tháng trở lại đây do tình trạng căng thẳng nguồn cung trong khi nhu cầu sử dụng phục hồi mạnh khi hầu hết các quốc gia trên thế giới tái mở cửa sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2 vừa qua càng khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trở nên trầm trọng hơn khi thị trường mất đi một lượng đáng kể nguồn cung dầu từ Nga dưới tác động các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Diễn biến giá dầu thô Brent trong vòng 3 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)
Giá dầu thô Brent đã có lúc vọt lên trên mức 139 USD/thùng hồi đầu tháng 3 - mức cao nhất kể từ năm 2008. Hiện giá dầu thô Brent đang được giao dịch quanh mức 121 USD/thùng - tiệm cận mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây. Mức giá này cao hơn tới 55% so với mức giá hồi đầu năm. Điều này đang khiến áp lực lạm phát trên toàn cầu tăng mạnh.
Báo cáo của OPEC cũng chỉ rõ “Sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô hiện nay đang đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn liên quan đến các biến động địa chính trị hiện tại, diễn biến của đại dịch Covid-19 trong nửa cuối năm nay. Áp lực lạm phát có thể còn kéo dài và sẽ ở mức cao cho đến khi các vấn đề địa chính trị được giải quyết. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dầu sẽ vẫn ở mức tốt trong nửa cuối năm nay”.
Hiện tại, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã tái áp dụng các biện pháp kiểm soát di chuyển nghiêm ngặt tại một số thành phố lớn nhất của nước này như Bắc Kinh và Thượng Hải nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Giới chức nước này cũng có những động thái cho thấy sẽ theo đuổi chiến lược “Zero Covid” (Không ca nhiễm Covid-19). Điều này sẽ khiến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc trong ngắn hạn suy giảm.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và một số cơ quan Chính phủ Trung Quốc dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc sẽ bật tăng trở lại trong nửa cuối năm nay ngay sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Ngày 10/6, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ông Suhail Al-Mazrouei cảnh báo "Với mức nhu cầu sử dụng dầu thô hiện giờ, chúng ta vẫn còn xa ngưỡng giá kỷ lục, bởi Trung Quốc thậm chí còn chưa tái mở cửa nền kinh tế".
Đồng quan điểm trên, bà Amrita Sen, chuyên gia phân tích thị trường tại hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects (Anh), nhận định “Giá dầu thô đang ở mức 120 USD/thùng khi không có Trung Quốc. Vì thế, nếu Trung Quốc quay trở lại thị trường thì giá dầu sẽ tăng cao hơn nữa”.
Về phía nguồn cung, dữ liệu từ báo cáo của OPEC cho thấy tổ chức này vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác. Sản lượng khai thác dầu thô của OPEC trong tháng 5 vừa qua đã giảm 176.000 thùng/ngày xuống còn 28,51 triệu thùng/ngày do suy giảm sản lượng tại Libya, Nigeria và một số quốc gia thành viên khác.
OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung dầu thô của các quốc gia khai thác dầu nằm ngoài OPEC trong năm nay xuống mức 2,1 triệu thùng/ngày, giảm 0,3 triệu thùng/ngày so với dự báo gần nhất.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã cảnh báo sản lượng của OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga (hay còn gọi là liên minh OPEC+) đang thấp hơn mức mục tiêu khai thác tới 2,6 triệu thùng/ngày. Do đó, thị trường dầu toàn cầu sẽ còn đối mặt với tình trạng căng thẳng nguồn cung kéo dài trong những tháng tới.