Vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra phản hồi đến các doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) về đề xuất ưu đãi thuế cho ôtô điện.
Kiện nghị được phía doanh nghiệp và VAMI đề xuất lộ trình ưu đãi giảm thuế nhập khẩu đối với các dòng ôtô sử dụng động cơ điện trong 2 năm tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, ôtô chở người sử dụng động cơ điện (mã HS 8703.80.99) được đề xuất áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% từ 1/1/2023 đến 31/12/2024. Từ ngày 1/1/2025, mức thuế 70% sẽ được áp dụng.
Ôtô chở hàng sử dụng động cơ điện (mã 8704.60.91, 8704.60.92. 8704.60.53) cũng được kiến nghị áp dụng mức thuế suất 0% từ 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024. Mức thuế được đề xuất áp dụng sau thời gian trên là 70% và 25%.
Lý do được phía doanh nghiệp và VAMI đưa ra bao gồm thúc đẩy sự phát triển của ôtô điện nhằm từng bước thay thế ôtô truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Song theo Bộ Tài Chính, chính sách ưu đãi đối với dòng xe sử dụng năng lượng điện đã được nhà nước bổ sung vào Nghị định số 57 năm 2020.
Nếu giảm thuế nhập khẩu MFN (mức thuế áp dụng với hàng hóa, vật phẩm được sản xuất từ các nước thành viên WTO vào thị trường Việt Nam) trong 2 năm như đề xuất, trong khi các doanh nghiệp chưa có các phương án và kế hoạch cụ thể thì sẽ tạo ra nhiều khó khăn trong quản lý.
Việc đầu tư ngành sản xuất ôtô điện đòi hỏi chiến lược dài hạn, nguồn vốn lớn và nhiều nguồn lực liên quan. Hiện nay tại Việt Nam, Vinfast là doanh nghiệp duy nhất đầu tư nhà máy sản xuất ôtô điện.
Bộ Tài chính cho rằng ưu đãi thuế đối với ôtô điện nhập khẩu sẽ gây ảnh hưởng đến các hãng xe, doanh nghiệp đầu tư sản xuất dòng xe này trong nước.
Các doanh nghiệp cũng sẽ lợi dụng chính sách giảm thuế để nhập khẩu hàng loạt ôtô điện vào Việt Nam, gây sụt giảm nguồn thu ngân sách. Như vậy, Bộ Tài chính chưa xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN đối với xe điện như đề xuất.