Trả lời Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Bilawal Bhutto-Zardari cho biết: "Tôi chưa từng thấy sự tàn phá ở mức độ này. Tôi cảm thấy rất khó diễn tả thành lời. Trận lũ quá dữ dội". Ông cũng cho biết nhiều cánh đồng, vốn là sinh kế của nhiều người dân, đã bị xóa sổ sau trận lũ.
“Rõ ràng điều này sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế”, ông nói.
Pakistan đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, đối mặt với lạm phát cao, đồng tiền mất giá và thâm hụt tài khoản vãng lai.
Trong tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ xem xét để quyết định có nên cung cấp thêm 1,2 tỷ USD cho Pakistan hay không. Nếu được thông qua, gói cứu trợ này sẽ là giai đoạn thứ bảy và thứ tám của chương trình cứu trợ Pakistan được khởi động từ năm 2019.
Ông Bhutto-Zardari cho biết ban giám đốc IMF sẽ thông qua việc cung cấp gói cứu trợ vì hai bên đã đạt được thỏa thuận trước đó. Ông cũng hy vọng trong những tháng tới, IMF sẽ nhận ra tác động của lũ lụt.
Ông nói: “Trong tương lai, tôi mong đợi không chỉ IMF, mà cả cộng đồng quốc tế và các tổ chức quốc tế, sẽ thực sự hiểu được mức độ tàn phá (của trận lũ này)”.
Ông Bhutto-Zardari cũng cho biết trong tuần này, Pakistan sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tham gia cứu trợ
“Trong giai đoạn tiếp theo, khi chúng tôi hướng tới phục hồi và tái thiết, chúng tôi sẽ có các cuộc thảo luận không chỉ với IMF, mà với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á”, ông Bhutto-Zardari nói.
Salman Sufi, quan chức Bộ Nội vụ Pakistan, hôm 28/8 cho biết Mỹ, Anh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng nhiều nước khác đã hỗ trợ, song nước này cần nhiều nguồn tài trợ hơn, xét trên thiệt hại hiện nay, BBC cho hay.
Mưa lớn bất thường đã gây ra lũ lụt tàn phá ở cả miền Bắc và miền Nam của Pakistan, ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người và khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết thiệt hại do lũ gây ra có thể so sánh với đợt lũ tồi tệ nhất từng được ghi nhận tại Pakistan trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2011.