Vì sao Parkson rời thị trường?
Công ty TNHH Parkson Việt Nam mới đây đã đệ đơn xin phá sản tự nguyện lên tòa án TP.Hồ Chí Minh. Do những khoản lỗ lớn khó cải thiện, Tập đoàn sở hữu chuỗi trung tâm thương mại nổi tiếng sẽ rời Việt Nam sau 18 năm gắn bó.
Đây là một trong những thông tin gây sốc trên thị trường bán lẻ Việt Nam những ngày qua bởi hình ảnh trung tâm thương mại Parkson bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một trong những biểu tượng của sự phát triển ngành bán lẻ Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Parkson không phải là lần đầu tiên, một doanh nghiệp bán lẻ lớn của nước ngoài rời Việt Nam mà trước đó, năm 2016, hãng phân phối Casino Group (Pháp) đã bán lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group. Hoặc, Tập đoàn TCC (Thái Lan) đã mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) tại Việt Nam với tất cả trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro. Tập đoàn này chia tay Việt Nam sau nhiều năm kinh doanh không khả quan và thương hiệu Metro biến mất khỏi thị trường sau khi được bán lại cho đối tác Thái Lan, khi bị đổi tên thành Mega Market Việt Nam.
Tương tự, siêu thị Emart vốn là thương hiệu bán lẻ hàng đầu đến từ Hàn Quốc, sau hơn 5 năm kinh doanh ở Việt Nam cũng dừng lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) vào cuối tháng 5/2021.
Trước dịch Covid-19 bùng phát, Auchan - một ông lớn bán lẻ đến từ Pháp vào Việt Nam giữa năm 2018 đã bán lại toàn bộ hệ thống siêu thị tại Việt Nam cho Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) sau 4 năm xây dựng và phát triển tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia bán lẻ cho biết, dù thông tin Parkson đóng cửa tại Việt Nam gây sốc, song không bất ngờ. Lý do là vì Parkson là thương hiệu bán lẻ chuyên bán hàng thời trang, trong đó có nhiều mặt hàng xa xỉ.
“Mô hình này hơn 10 năm trước có thể hợp lý, nhưng nếu cứ duy trì thì sẽ không theo kịp được tốc độ phát triển. Bởi người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cao hơn. Họ không chỉ vào TTTM để mua áo quần, giày dép… mà còn mua sắm thực phẩm, vui chơi giải trí… nên các TTTM lớn vẫn được nhiều người yêu chuộng. Hơn thế nữa, trong thời buổi khó khăn như hiện nay, mua sắm hàng thời trang có thể tạm gác lại, ít hơn so với thực phẩm sử dụng hằng ngày. Như vậy, chậm thay đổi là lý do khiến Parkson phải rời Việt Nam”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Thực tế, trước đó, chính Parkson cũng từng thừa nhận sự cần thiết phải đổi mới về mọi mặt để thích nghi với thị trường bán lẻ đầy tính cạnh tranh của Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là một nơi mua sắm như trước đây, đầu năm 2019, Parkson từng hướng đến một điểm đến tích hợp mua sắm, ăn uống và giải trí phục vụ đa dạng khách hàng. Tuy nhiên, quyết định thay đổi muộn màng không thể kịp cứu vãn Parkson, bởi sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ thời gian qua là rất gay gắt.
Nhìn lại những mô hình thành công
Trong khi có nhiều doanh nghiệp rời Việt Nam thì ngược lại, nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác lại mở rộng kinh doanh. Đơn cử, sau hơn 2 năm sáp nhập vào hệ sinh thái của Tập đoàn Masan, VinCommerce (nay là WinCommerce - WCM) có chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn trải đều trên cả nước. Quý 1/2023, WinCommerce mở thêm 55 WinMart+ và 1 WinMart, nâng lên 3.442 địa điểm trên toàn quốc cho cả cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ và đại siêu thị. Doanh nghiệp này dự kiến tiếp tục mở hơn 1.000 cửa hàng mới và kỳ vọng tăng 25% doanh thu cấp cửa hàng.
Tương tự, tốc độ mở rộng, phủ sóng của Saigon Co.op cũng rất nhanh. Năm 2022, chuỗi bán lẻ này đạt doanh số 30.888 tỷ đồng, vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ vào doanh số chung của đơn vị. Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng trưởng 4,5% trong năm nay.
AEON – một doanh nghiệp nước ngoài cũng có sự phát triển rất tốt ở Việt Nam. Điểm chung của các doanh nghiệp này là tối ưu hóa nhu cầu của khách hàng, đẩy mạnh kinh doanh đa kênh và luôn đặt sự tiện lợi của khách hàng lên hàng đầu.
Ông Vũ Vinh Phú khẳng định: “Các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp Việt tuy đã chiếm lĩnh khá tốt thị trường, song bài học từ các doanh nghiệp đi trước cũng cho thấy không nên lơ là công tác chăm sóc khách hàng. Phải giữ bằng được niềm tin của các "thượng đế", mở rộng lượng khách hàng thân thiết. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với người nông dân để có nguồn hàng giá tốt, kiểm soát được chất lượng”.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước.