Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã PLX-HOSE) thông báo chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thông báo phương án chào bán cổ phiếu BMF của CTCP Vật liệu Xây dựng và Chất đốt Đồng Nai (mã BMF) ra công chúng.
Cụ thể: Petrolimex sẽ chào bán toàn bộ 443.500 cổ phiếu đang nắm giữ, chiếm 10,66% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của BMF với giá khởi điểm là 36.600 đồng/CP. Mục đích là thực hiện chủ trương về thoái toàn bộ vốn của Tập đoàn tại BMF.
Phương thức phân phối là đấu giá công khai tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 29/12/2022. Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 100 cổ phần và theo bội số của 100.
Thời gian nhận đăng ký mua từ ngày 2/12 đến 15h30’ ngày 22/12/2022. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 29/12/2022 đến ngày 06/01/2023. Nếu tính theo giá khởi điểm, Petrolimex sẽ thu về tối thiểu hơn 16,2 tỷ đồng từ đợt đấu giá này.
CTCP Vật liệu Xây dựng và Chất đốt Đồng Nai tiền thân là Công ty kinh doanh Vật liệu xây dựng và xây lắp, được thành lập vào những năm 1980. Công ty có vốn điều lệ hơn 41,59 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính bao gồm bán lẻ nhiên liệu động cơ trong các cửa hàng chuyên kinh doanh, bao gồm xăng, dầu, nhớt, các chất bôi trơn…
Được biết, ngày 6/12 tới đây, PLX sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 nhằm thông qua các nội dung như: Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 và đáng chú ý là điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2022.
Cụ thể: Đối với Tập đoàn, Petrolimex xin điều chỉnh kế hoạch doanh thu từ 186.000 tỷ đồng lên 240.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm mạnh từ 3.060 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 90%.
Đối với chỉ tiêu công ty mẹ, doanh thu cũng được tăng từ 133.000 tỷ đồng lên 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm từ 1.860 tỷ đồng xuống chỉ còn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu sản lượng xuất bán, nộp ngân sách, đầu tư phát triển và cổ tức không thay đổi.
Petrolimex cho biết, trước bối cảnh áp lực về nguồn cung và giá dầu thế giới trong các tháng cuối năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức cao và biến động rất bất thường khó dự báo, cùng với việc sẽ gây nhiều khó khăn trong công tác điều hành thì hiệu quả kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn cũng đồng thời bị suy giảm đáng kể so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua do chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
Một là, chi phí tạo nguồn thực tế tăng cao hơn chi phí tạo nguồn kết cấu trong giá giá cơ sở; Hai là, chi phí tạo nguồn nhập khẩu tăng để bù lượng cấp thiếu từ NMLD Nghi Sơn; Ba là, lợi nhuận giảm do lùi thời gian điều chỉnh giá bán trong bối cảnh giá dầu có xu hướng tăng và cuối cùng là ảnh hưởng do điều chỉnh tỷ giá.
Cũng theo Petrolimex, do một số yếu tố tác động là trường hợp bất khả kháng nằm ngoài khả năng dự báo khi xây dựng kế hoạch của Tập đoàn, vì vậy việc điều chỉnh kế hoạch năm 2022 là cần thiết và phù hợp với quy định tại Thông tư 200.
Petrolimex cũng lưu ý chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề nghị điều chỉnh được căn cứ theo các thông tin thị trường xăng dầu thế giới tại thời điểm báo cáo, trường hợp nếu giá xăng dầu thế giới đảo chiều theo xu hướng giảm, đặc biệt trong tháng 12/2022 dẫn đến Tập đoàn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho vào thời điểm kết thúc ngày 31/12/2022 (nếu có) chưa được ước lượng để tính toán trong phương án này.
Trước đó, ngày 29/11 vừa qua, PLX đã thanh toán cổ tức năm 2021 bằng tiền, tỷ lệ 12% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng). Như vậy, với hơn 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, PLX đã chi xấp xỉ 1.500 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.