Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với mức doanh thu kỷ lục nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, nhà phân phối và bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường trong nước này đã ghi nhận gần 67.020 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu cao nhất mà Petrolimex ghi nhận được trong một quý kinh doanh từ trước đến nay. So với quý IV/2021 liền trước, doanh thu quý vừa qua cũng tăng gần 36%.
Dù ghi nhận mức tăng trưởng cao ở chỉ tiêu doanh thu, việc giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn (tăng 84%) đã khiến biên lãi gộp của Petrolimex sụt giảm. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp tập đoàn này thu về trong quý I/2022 thấp hơn so với quý I/2021, chỉ đạt 2.777 tỷ đồng .
Ở chiều chi phí, nhà bán lẻ xăng dầu này vẫn phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng để trang trải các chi phí phát sinh trong quý, từ chi phí tài chính, bán hàng đến quản lý doanh nghiệp.
Kết quả là Petrolimex chỉ thu về 571 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý vừa qua, thấp hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, lợi nhuận sau thuế tập đoàn này thu về được cũng giảm gần 40%, đạt 442 tỷ đồng .
Theo lý giải của lãnh đạo Petrolimex, nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh trong quý vừa qua là do biến động của giá dầu thế giới và nguồn cung xăng dầu trong nước sụt giảm.
Cụ thể, trong quý I vừa qua, các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia đã phát huy hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương trong nước và thế giới từng bước trở lại nhịp độ bình thường làm cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra đã làm nảy sinh các vấn đề về nguồn cung năng lượng. Theo đó, giá dầu thế giới (WTI) đã biến động mạnh từ 75,88 USD /thùng từ đầu quý lên 102,07 USD /thùng vào cuối quý I/2022. Thậm chí, có thời điểm giá dầu thế giới được giao dịch lên tới 128 USD /thùng.
Ở thị trường trong nước, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng sản xuất. Điều này khiến nhà máy không đáp ứng được sản lượng cam kết theo các hợp đồng (dài hạn) đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Vì vậy, vào thời điểm giá xăng dầu thế giới duy trì ở mức cao, áp lực về nhu cầu xăng dầu trong nước đã đổ dồn sang Petrolimex - doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong khâu phân phối tại thị trường trong nước (hiện nắm trên 50% thị phần).
Để đảm bảo nguồn cung và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, Petrolimex đã phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tìm kiếm nguồn cung tức thời với mặt bằng giá cao từ các nhà cung cấp khác.
Kết quả là biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu quý I/2022 tại tập đoàn đã giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trái ngược với Petrolimex, nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 thị trường trong nước (PV Oil) lại lãi đậm trong quý vừa qua.
Cụ thể, nhà phân phối này đã ghi nhận gần 23.300 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 283 tỷ trong quý I, tăng lần lượt 98% và 48% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà PV Oil từng ghi nhận được trong một quý kinh doanh từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán.
PV Oil cũng cho biết kết quả kinh doanh kể trên diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong và ngoài nước có nhiều biến động và nguồn cung trong nước khan hiếm do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng.