Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank - PGB) vừa công bố thông tin về việc bổ nhiệm tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT). Theo đó, HĐQT nhà băng này đã thống nhất bầu ông Oliver Schwatzhaupt, Thành viên HĐQT, Phó trưởng ban Ủy ban Quản lý rủi ro ngân hàng làm Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 4/5.
Theo thông tin từ ngân hàng, ông Oliver Schwatzhaupt (quốc tịch Đức) tốt nghiệp trình độ thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Justus Liebig (Đức). Ông đã có 29 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và quản trị rủi ro.
Ông Oliver Schwatzhaupt từng đảm nhiệm nhiều vai trò quản lý cấp cao tại các tổ chức tài chính quốc tế như Giám đốc Quản lý rủi ro tín dụng DZBank; Giám đốc Quản lý xếp hạng tín dụng CommerzBank, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Quản lý rủi ro Emirates NBD Group.
Đáng chú ý, ông Oliver Schwatzhaupt chính là nhân sự cũ của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Trong đó, ông từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Khối Quản lý rủi ro (năm 2010-2012) và Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý rủi ro MSB (năm 2019-2022).
Ngày 26/4/2022, ông chính thức được bổ nhiệm là Thành viên HĐQT của PGBank.
Việc ông Oliver Schwatzhaupt được bầu làm Chủ tịch HĐQT PGBank diễn ra ngay sau khi 3 thành viên đương nhiệm HĐQT đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bao gồm các ông Nguyễn Quang Định (Chủ tịch), Trần Ngọc Năm (Thành viên), Lưu Văn Tuyển (Thành viên) đương nhiên mất tư cách sau khi Petrolimex thoái vốn khỏi ngân hàng.
Ngoài ra, HĐQT PGBank còn có sự thay đổi nhân sự khác khi một Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Mạnh Hải cũng xin từ nhiệm từ ngày 5/5 với lý do cá nhân.
Trong thời gian chờ nhóm cổ đông mới chính thức lộ diện và đề cử bổ sung thành viên HĐQT, hiện HĐQT PGBank có 5 thành viên gồm ông Oliver Schwarzhaupt (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Tiến Dũng (Phó chủ tịch), ông Đinh Thành Nghiệp, ông Nguyễn Phi Hùng (Tổng giám đốc) và ông Nilesh Ratilal Banglorewala.
Theo PGBank, động thái này nằm trong tiến trình kiện toàn lại toàn bộ hoạt động về nhân sự, công tác quản trị rủi ro, công tác phát triển sản phẩm dịch vụ để phù hợp với những thay đổi sau khi Petrolimex thoái vốn.
Trước đó, vào đầu tháng 4, cổ đông lớn nhất của ngân hàng này - Petrolimex - đã bán xong toàn bộ 120 triệu cổ phần sở hữu tại PGBank với giá trung bình 21.400 đồng/cổ phiếu, thu về 2.568 tỷ đồng.
Trong đó, 3 tổ chức đã mua thành công số cổ phần này là CTCP Quốc Tế Cường Phát với 40,6 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 13,54% vốn điều lệ của ngân hàng; CTCP Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu, chiếm 13,36% và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh mua 39,3 triệu cổ phiếu, chiếm 13,1%.
Sau giao dịch, 3 tổ chức này hiện nắm hơn 40% vốn điều lệ của PGBank, trở thành nhóm cổ đông lớn mới tại ngân hàng và thuộc diện phải công bố thông tin trong thời gian tới.
Về kế hoạch kinh doanh năm nay, PGBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 530 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 11,2%, đạt 35.881 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 8,3%, đạt hơn 53.000 tỷ đồng; và chỉ tiêu huy động vốn dự kiến tăng 10,6%, đạt hơn 47.200 tỷ đồng.