Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề vai trò của an ninh năng lượng và việc bình ổn giá năng lượng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, năng lượng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Nó là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Đặc biệt, giá năng lượng là một giá rất quan trọng, nó tác động tới toàn bộ mặt bằng của giá cả, tác động đến lạm phát,…
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, năng lượng chủ yếu gồm điện, than và xăng dầu. Bất kỳ một quốc gia nào cũng rất coi trọng vấn đề về an ninh năng lượng. Và an ninh năng lượng là một trong những mục tiêu hay nội dung quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
“Thường thường ở các quốc gia trên thế giới, người ta có thể lấy mức tiêu thụ năng lượng để đánh giá trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Năng lượng có tác động tới tất cả các mặt hàng hóa khác, tới đời sống xã hội, an ninh quốc phòng cho nên vấn đề làm sao để giữ ổn định, đảm bảo an ninh lượng và đảm bảo mức bình ổn giá năng lượng cũng cực kỳ quan trọng” - PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.
Nhấn mạnh bình ổn giá năng lượng là quan trọng, tuy nhiên PGS.TS Ngô Trí Long lại cho rằng, trong bình ổn giá năng lượng, thì không có nghĩa là cứ nhắc. “Bình ổn giá năng lượng phải phụ thuộc tương quan vào cung cầu và những yếu tố khác như các chi phí đầu vào” - vị chuyên gia nêu quan điểm.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, tình hình năng lượng của nước ta hiện nay là cung chưa đáp ứng với cầu. Ông lấy ví dụ: Đối với điện, chúng ta vẫn đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào. Còn đối với xăng dầu, nguồn sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được trên 70% nhu cầu tiêu thụ, ta vẫn phải nhập khoảng hơn 20%. Đặc biệt, để sản xuất được hơn 70% lượng xăng dầu, chúng ta vẫn phải nhập nguyên liệu thô dầu thô để sản xuất.
“Nói như vậy để thấy rằng, do vẫn phải nhập khẩu, chịu những tác động từ thị trường nên chúng ta phải rất coi trọng đến phần điều hành giá. Bởi, điều hành giá mà không chuẩn, không đúng thì sẽ tác động tới nhiều mặt và tác động lớn tới lạm phát, mà lạm phát lại là một trong những chỉ tiêu quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô” - PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, năng lượng gồm điện, than và xăng dầu là những mặt hàng hết sức nhạy cảm, cho nên điều hành nó cơ quan quản lý nhà nước phải hết sức thận trọng. Bởi, những lĩnh vực này tại nước ta là còn giữ vị trí thống lĩnh thị trường hay giữ vai trò độc quyền và nhà nước vẫn kiểm soát giá.
Do đó, phải điều hành làm sao hài hoà vừa bù đắp chi phí cho doanh nghiệp, vừa phù hợp với người tiêu dùng. Bởi có đảm bảo được lợi nhuận để doanh nghiệp tái sản xuất thì mới đảm bảo được nguồn cung và đảm bảo giá không quá cao tránh tác động đến mặt bằng giá cả và đời sống người dân.
Hiện nay, đối với điện, Nhà nước đang kiểm soát giá thông qua kiểm soát các chi phí sản xuất. Còn đối với xăng dầu thì kiểm soát Nhà nước là định giá cơ sở. Giá điện theo quy định là chúng ta điều chỉnh 6 tháng/lần, còn với giá xăng dầu là 10 ngày/lần.
Tuy nhiên, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà từ năm 2019 đến nay Chính phủ chưa cho điều chỉnh giá điện, mặc dù chi phí sản xuất đã tăng rất nhiều và hàng năm tính toán của Bộ Công Thương sản xuất hiện chúng ta vẫn lỗ hàng nghìn tỷ.
“Tôi thấy rằng, nếu trong điều hành mà Nhà nước và Chính phủ không kịp thời điều chỉnh giá thì có thể sẽ có tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, và lâu dài là an ninh năng lượng của đất nước” - PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Đối với xăng dầu, chúng ta thấy đây cũng là mặt hàng tác động rất lớn. Ví dụ những năm chúng ta kiểm soát được giá xăng dầu bình ổn, thì tức là chúng ta cũng kiểm soát rất tốt mặt bằng giá, kiểm soát được lạm phát. Năm qua, có những thời điểm thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp, nguồn cung thiếu cục bộ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã nhìn thấy vấn đề nên đã yêu cầu tính toán lại chi phí cho đơn vị kinh doanh xăng dầu, tạo được niềm tin cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về giải pháp điều hành giá năng lượng trong thời gian tới, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để điều hành tốt giá năng lượng, cơ quan điều hành phải nắm chắc được thông tin thị trường, phải dự báo, phân tích, đánh giá thị trường để có những biện pháp điều chỉnh cho phù hợp.
“Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị tốt với 2 kịch bản xăng dầu cho năm tới dựa trên căn cứ vào sự hồi phục kinh tế, dự đoán nhu cầu tiêu dùng để có các phương án điều chỉnh cho tốt” - PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, với cơ chế mà Nhà nước còn quyết định giá, thì vấn đề hết sức quan trọng đối với các cơ quan chức năng là làm sao phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Có nghĩa Nhà nước phải tính đúng, tính đủ để cho doanh nghiệp có thể bù đắp chi phí một cách hợp lý thì doanh nghiệp mới tồn tại được; nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng.
Nhận định năm 2023 có thể có nhiều thách thức và khó khăn, kinh tế chính trị thế giới diễn biến rất phức tạp như vấn đề về địa chính trị bất lợi, nguồn cung ứng đứt gãy trong khi đó xu hướng phục hồi kinh tế mạnh, cho nên nhu cầu năng lượng là rất lớn.
“Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước phải dự báo được tình hình và có những biện pháp để đảm bảo nguồn cung năng lượng như điện, than, xăng dầu cho đầy đủ và đồng thời điều hành giá một cách linh hoạt phù hợp với diễn biến của thị trường” - PGS.TS Ngô Trí Long khuyến nghị.