Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần khắc phục tình trạng doanh nghiệp ngại vay, ngân hàng cũng ngại cho vay. (Ảnh: QH)
Điểm lại một số vấn đề diễn ra tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về kinh tế vĩ mô, các diễn giả, chuyên gia đều đưa ra những đánh giá rất tích cực với Việt Nam và cho rằng, có vẻ Việt Nam hơi ngược dòng so với thế giới - ở đây là ngược tốt. Thế giới tăng trưởng thấp thì Việt Nam tăng trưởng cao, thế giới lạm phát cao thì Việt Nam duy trì được lạm phát thấp với khả năng đánh giá thận trọng nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tăng trưởng trên 7%, lạm phát dưới 4%.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm một số vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Diễn đàn. Trong đó, về nguyên nhân của lạm phát trên thế giới: một số diễn giải cho rằng chủ yếu là do yếu tố đứt gãy nguồn cung chứ không phải do chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phân tích kỹ vấn đề này, tùy từng giai đoạn nguyên nhân của lạm phát có lúc do yếu tố đứt gãy nguồn cung, có lúc có yếu tố tiền tệ và có lúc có sự tác động cả hai yếu tố hay không? Tác động như thế nào?
Các diễn giả cũng cho rằng, cần có sự linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ; kiên định thực thi chính sách về tài khóa hiện nay thì dư địa được mở rộng hơn.
"Chúng ta muốn vừa kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhưng đồng thời có sự linh hoạt theo diễn biến thị trường thì phải trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng các nguyên nhân của lạm phát. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu, phân tích đối với luận điểm cho rằng việc dự toán thu ngân sách quá thận trọng vừa qua đã làm cho Việt Nam tự thu hẹp không gian tài khóa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề room tín dụng, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV đã giải đáp vấn đề này. Theo đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam có những điểm khác, nên không nóng vội được.
Qua Diễn đàn lần này, chúng ta khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô, có vĩ mô là có tất, mất vĩ mô là rất khó khăn, giữ kinh tế vĩ mô cũng chính là giữ cho từng doanh nghiệp, cho cả ngân hàng, tổ chức tín dụng.
"Câu chuyện không chỉ là tổng mức tín dụng mà quan trọng còn là cơ cấu tín dụng và chất lượng tín dụng, phải tiếp tục tính toán cơ cấu tín dụng để đưa dòng vốn vào khu vực kinh tế thực, khu vực có dư địa tăng trưởng", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần phải khắc phục được tình trạng “doanh nghiệp ngại vay mà ngân hàng cũng ngại cho vay”.
Ông Vương Đình Huệ đặt ra vấn đề, tại sao cũng là vốn vay hỗ trợ lãi suất mà qua Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng nông nghiệp đều giải ngân rất tốt còn qua các tổ chức tín dụng khác thì lại nói “sợ giải ngân, sợ đi vay, sợ không dám đi vay. Nói thế là không thuyết phục”.
Tổ chức tín dụng không phải cứ chăm chăm “sống” bằng tín dụng mà phải tăng cường doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, tăng cường tiềm lực cho các ngân hàng, kể cả biện pháp tăng nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại...
Về các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, tiền tệ, bất động sản…, đây đều là “mạch máu” của nền kinh tế. Do đó phải bảo đảm lưu thông lành mạnh, phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Diễn đàn đã thống nhất rất cao phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, khơi thông các loại thị trường, khắc phục các khiếm khuyết, khuyết tật của từng loại thị trường và tạo điều kiện cho các thị trường phát triển lành mạnh, thông suốt, kết nối thị trường trong nước với quốc tế.