Những năm gần đây, trên địa bàn TP. Hà Nội, chung cư mini xuất hiện rất phổ biến tại các địa bàn tập trung đông dân cư và trường đại học, nhất là ở các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy. Loại hình nhà ở này tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn, đặc biệt là về phòng cháy chữa cháy.
Hàng loạt người thương vong
Mới đây là cháy chung cư mini tại địa chỉ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vào đêm 12/9. Toà nhà này được xây trên diện tích đất khoảng 200m2, gồm 1 tầng hầm để xe và 8 tầng căn hộ; với 150 người sinh sống, chủ yếu là sinh viên, hộ gia đình. Vụ cháy gây tổn thất đặc biệt nghiêm trọng. Thông tin từ các cơ quan chức năng công bố ngày 15/9, cho biết đã xác định có 56 người tử vong; 37 người bị thương (trong đó, mới biết danh tính của 39/56 người tử vong).
Trước đó, vào tháng 3/2023, tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, cũng xảy ra vụ cháy chung cư mini trên phố Vũ Tông Phan làm hơn 170 người đang sinh sống ở tòa nhà hoảng loạn tháo chạy. Theo cư dân, chung cư xây dựng từ rất lâu với chức năng là tòa nhà hỗn hợp; và khi hoàn thành chủ đầu tư đã bán căn hộ cho người có nhu cầu, tuy nhiên tầng lửng vẫn do chủ đầu tư quản lý. Thời điểm xảy ra vụ cháy, tầng lửng cho thuê lại để kinh doanh ăn uống, mặc cho cư dân phản đối.
Tháng 5/2023, một vụ cháy khác xảy ra ở tầng 3 của chung cư mini trong ngách ngõ đường Láng, quận Đống Đa khiến nhiều cư dân phải vội vã tháo chạy. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy là do chập điện bình nóng lạnh. Tương tự, tháng 10/2022 lại xảy ra vụ cháy chung cư mini 6 tầng thuộc một con ngõ đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, khiến lực lượng quản lý phải điều động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện chữa cháy tới hiện trường dập lửa…
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận xét rằng qua quan sát, chung cư mini thường xây dựng trên diện tích nhỏ, thực tế nhiều căn nằm sâu trong ngõ với quy mô từ 5 - 10 tầng và xen kẽ các khu dân cư. Hơn nữa, một số còn ít được làm lối thoát hiểm, cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy chỉ mang tính hình thức, do chủ đầu tư muốn tận dụng quỹ đất. Nên trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ thì hậu quả vô cùng lớn. “Trong phòng cháy chữa cháy yêu cầu đặt ra rất cụ thể, nghĩa là không chỉ phòng cháy chữa cháy đối với bản thân công trình, mà việc kết nối bên ngoài phải như thế nào. Khi chính công trình không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, cộng thêm vị trí không thuận tiện để đảm bảo thoát nạn, thì hai yếu tố cùng kết hợp sẽ dễ dẫn đến sự việc đáng tiếc”, chuyên gia phân tích.
Yêu cầu đưa ra khái niệm chuẩn xác
Theo ông Nghiêm, đối với những đô thị đông dân và di dân tự do, việc bố trí công trình xen kẽ trong khu dân cư là xu thế tất yếu xảy ra ở đô thị. Hơn nữa, Nhà nước cũng đã khuyến khích các thành phần cùng tham gia phát triển nhà ở để cho thuê/thuê mua/chuyển nhượng. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt phải xem điều kiện kỹ thuật thế nào, chứ thực tế hiện nay, định hướng đúng song điều kiện kỹ thuật thực hiện lại không được giám sát chặt chẽ, từ cơ quan quản lý cấp phép đến đội thanh tra trật tự xây dựng kiểm tra và đặc biệt chính quyền địa phương một số nơi vẫn chưa thường xuyên giám sát.
Bởi vậy, với các căn hiện có, cần tiến hành rà soát, đồng thời, khảo sát lại, nếu không đảm bảo thì kiên quyết xử lý. Mặt khác, thời gian tới phải xem xét, xây dựng những quy định rõ ràng liên quan tới vấn đề này, đặc biệt là đưa ra khái niệm chuẩn xác về chung cư mini trong văn bản quy phạm pháp luật; xác định rõ khu vực nào được xây dựng, khu vực nào không được xây dựng, nếu vi phạm sẽ xử nghiêm.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá, hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, đã nở rộ tình trạng khoét lõm xây dựng “chung cư mini”, “chung cư hộp diêm” có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, các quận nội thành. Trong đó, không ít công trình nhà “chung cư mini” xây dựng trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua.
Ông Châu cho rằng, việc nở rộ “chung cư mini” vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân bắt nguồn từ bất cập của quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”; nguyên nhân thứ nữa là hạn chế, yếu kém trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở. Ngoài ra, còn nguyên nhân do các đầu nậu và doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, cá nhân móc nối cùng một số cán bộ cấp cơ sở, để thực hiện công trình nhà “chung cư mini” trái phép.
Vì vậy, Hiệp hội nhất trí với chỉ đạo của Bộ Xây dựng trước đó về việc đề nghị địa phương phối hợp cùng ngành chức năng tăng cường phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật, đặc biệt, là các công trình nhà ở riêng lẻ kiểu chung cư mini có nhiều tầng, nhiều căn hộ, có vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, đồng ý khi yêu cầu: đối với nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế, địa phương phải tổng hợp, khẩn trương báo cáo về Bộ để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Theo đại diện Hiệp hội, trước đó Hiệp hội cũng lưu ý: Khi Luật Nhà ở 2014, tại Điều 46 cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên, mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này, thì được nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó. Chính quy định này đã tạo cơ sở pháp lý dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà chung cư mini, chung cư hộp diêm.
Nên Hiệp hội kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: sử dụng công cụ quy hoạch để hạn chế phát triển loại nhà ở riêng lẻ kiểu nhà “chung cư mini”, “chung cư hộp diêm” có nhiều phòng tại khu vực đô thị, quận nội thành.