Trong báo cáo mới nhất bổ sung về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội khóa 13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin, từ số liệu thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội cho thấy, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,8 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Sau khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội (chiếm 26% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).
Thực tế số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không quay trở lại là trên 3,5 triệu người, bình quân mỗi năm có hơn 591 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%.
Cũng trong giai đoạn này, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng mới là hơn 5,2 triệu người, trong đó số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chưa quay trở lại tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 3,5 triệu người (tương đương tỷ lệ 1,5 người tham gia mới thì có 1 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).
Bên cạnh đó, số người hưởng 2 lần chế độ bảo hiểm xã hội một lần là 906.856 người, số người hưởng 3 lần chế độ này là 61.347 người. Như vậy, con số hơn 3,5 triệu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần (sau khi đã loại trừ những người quay trở lại hệ thống bảo hiểm xã hội) thực tế sẽ còn thấp hơn.
Số lượng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn 2016-2022 tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước, chiếm 90,74% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Xét theo địa lý thì khu vực Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long có số lượng người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đông nhất cả nước. Tại 2 khu vực này chiếm gần 60% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đây là những khu vực tập trung nhiều lao động phổ thông, tuổi đời trẻ làm việc tại các khu công nghiệp nên tần suất thay đổi công việc nhanh dẫn đến hưởng bảo hiểm xã hội cao so với các khu vực khác trên cả nước.
Trong khi đó, khảo sát tại Hà Nội cho kết quả, tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần diễn ra rất ít, giai đoạn 2016-2022 chỉ có 196 nghìn người nhận bảo hiểm xã hội một lần, sau đó có 60%, tương đương 120 nghìn người quay trở lại tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu.
Thống kê cũng cho thấy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn 2016-2022 hầu hết là những lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn; hầu hết là dưới 10 năm; cụ thể dưới 5 năm chiếm đến 66,6% số lượt người đề nghị hưởng, từ 5 năm đến dưới 10 năm chiếm 23,8%.
Kết hợp với số liệu hơn 90,7% người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần làm việc khu vực ngoài Nhà nước, thì số liệu này cũng phần nào thể hiện công việc của người lao động trong khu vực này thường xuyên biến động; trong thời gian chờ đợi công việc mới họ thường có xu hướng nghĩ đến hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Ngoài ra, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã xuất hiện thêm xu hướng lao động ưu tiên chọn công việc linh hoạt về thời gian, địa điểm (trên 60% công nhân được khảo sát trả lời muốn đổi nghề, tìm việc ở những nhóm ngành khác như việc làm trực tuyến, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao hàng...
Sự thay đổi về hình thức làm việc, kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến cũng phần nhiều ảnh hưởng đến việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động sau khi nghỉ việc và họ thường nghĩ ngắn hạn, coi bảo hiểm xã hội một lần như là một khoản để trang trải kinh phí cũng có vốn làm ăn, mà không nghĩ đến mục tiêu dài hạn để hưởng chế độ hưu trí, đảm bảo cuộc sống về già. “Đây hầu hết là suy nghĩ của những người lao động trẻ, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định.
Những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40%), nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai, thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%). Như vậy, có thể thấy người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).
Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu việc quy định theo hướng hạn chế và sớm chấm dứt việc rút bảo hiểm xã hội một lần khi trong độ tuổi lao động, trừ một vài trường hợp.