Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/2 có ý nói rằng nếu ông tái đắc cử, Mỹ có thể sẽ không bảo vệ những đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không chi đủ ngân sách cho quốc phòng, trong trường hợp các nước đó bị Nga tấn công. Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Tổng thống Joe Biden và giới chức châu Âu.
Phát biểu trong một cuộc vận động cử tri ở bang South Carolina, ông Trump có vẻ như kể lại một cuộc gặp trước đây của ông với các nhà lãnh đạo NATO. Ông dẫn lời nhà lãnh đạo của “một nước lớn” mà ông không nói rõ là nước nào: “Nếu chúng tôi không trả tiền thì khi chúng tôi bị Nga tấn công, liệu Mỹ có bảo vệ chúng tôi không?”.
“Tôi đáp: ‘Các ông không trả tiền ư? Các ông định quỵt sao?’ Ông ấy nói: ‘Giả sử điều đó xảy ra thì sao?’ Tôi trả lời: ‘Không, tôi sẽ không bảo vệ các ông. Thật ra tôi sẽ khuyến khích Nga muốn làm gì thì làm. Các ông phải trả tiền chứ’”, ông Trump thuật lại cuộc nói chuyện.
Phản ứng với phát biểu trên của ông Trump, ông Biden nói trong một tuyên bố: “Vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên trường quốc tế và sự ủng hộ từ đồng minh của chúng ta là những yếu tố sống còn để bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ trên đất Mỹ. Nếu đối thủ của tôi là ông Donald Trump trở thành tổng thống một lần nữa, ông ta đang nói rõ như ban ngày rằng ông ta sẽ bỏ rơi các nước đồng minh NATO trong trường hợp Nga tấn công và để cho Nga ‘muốn làm gì thì làm’”.
31 quốc gia thành viên NATO đã nhất trí mục tiêu chi ít nhất 2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cho quốc phòng, nhưng số liệu của khối này cho thấy chỉ 11 thành viên trong khối chi đủ mức đó.
NATO và đồng minh của Mỹ ngoài khối này cũng đã có phản hồi tuyên bố mới nhất của ông Trump.
“Bất kỳ ý tưởng nào về việc các nước đồng minh không bảo vệ lẫn nhau cũng đều xói mòn an ninh chung của chúng ta, bao gồm an ninh của Mỹ, và đặt các binh sỹ Mỹ và châu Âu trước rủi ro lớn hơn”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một tuyên bố. “Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào NATO cũng sẽ gặp phải sự đáp trả đoàn kết và mạnh mẽ”.
“Phương châm ‘một vì tất cả, tất cả vì một’ của NATO là một cam kết vững chãi. Việc xói mòn uy tín của các quốc gia đồng minh đồng nghĩa làm suy yếu toàn thể NATO”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz viết trên mạng xã hội X. “Không nên lấy một chiến dịch vận động tranh cử ra để làm cái cớ cho việc chơi đùa với an ninh của liên minh”.
“Những tuyên bố bất cẩn về an ninh của NATO và sự đoàn kết của liên minh theo Điều 5 sẽ chỉ phục vụ cho lợi ích của Nga”, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Charles Michel nói.
Điều 5 Hiến chương NATO quy định một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một thành viên liên minh sẽ bị cho là tấn công toàn bộ liên minh, và dẫn tới hành động phòng thủ tập thể.
Ông Trump từ lâu đã chỉ trích NATO và thể hiện thái độ thân mật với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước và trong nhiệm kỳ cầm quyền của mình. Khi còn ở Nhà Trắng, ông đã nhiều lần yêu cầu các nước NATO phải chi đủ cho quốc phòng.
Phát biểu mới nhất của ông Trump được xem là một tín hiệu cho thấy nếu trúng cử tổng thống Mỹ thêm một nhiệm kỳ nữa, ông có thể sẽ đe doạ cam kết phòng thủ tập thể vốn là “trái tim” của NATO, trong bối cảnh mối lo ngại về Nga gia tăng ở phương Tây kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Gần đây, ông Trump đã kêu gọi Quốc hội Mỹ không phê chuẩn các kế hoạch viện trợ mới cho Kiev.
Về phần mình, ông Stoltenberg đã nói rằng ông hy vọng ít nhất một nửa số thành viên NATO sẽ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Trong một chuyến công du Washington vào tháng trước, vị Tổng thư ký NATO kêu gọi Mỹ tái khẳng định cam kết với liên minh và nói rằng một NATO chia rẽ sẽ đồng nghĩa với “sức mạnh Mỹ suy giảm”.
Ông Trump hiện đang chiếm ưu thế áp đảo trong cuộc đua với cựu đại sứ Mỹ Nikki Haley để giành vị trí ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Ông đã giành chiến thắng thuyết phục tại các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này ở bang Iowa và bang New Hampshire vào tháng trước, cũng như ở Nevada trong tuần vừa rồi.
Năm nay 77 tuổi, ông Trump còn đang dẫn trước ông Biden, 81 tuổi, với tỷ lệ sát nút trong các cuộc thăm dò về sự ủng hộ của cử tri trên toàn quốc. Nỗ lực tái tranh cử của ông Biden đã gặp trở ngại trong tuần vừa rồi sau khi công tố viên đặc biệt Robert Hur công bố một báo cáo liên quan đến việc ông Biden xử lý tài liệu mật trong thời gian còn giữ cương vị Phó tổng thống thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Trong báo cáo này, ông Hur không đưa ra bất kỳ cáo buộc nào nhưng đề cập đến “trí nhớ kém” của ông Biden, làm dấy lên mối lo ngại mới về tuổi tác và sức khoẻ của nhà lãnh đạo.