Tại báo cáo thường niên 2022 vừa được công bố, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), thừa nhận công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những chấn động của thị trường bất động sản như đại đa số doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh biến động là một phần tất yếu của môi trường kinh doanh. "PDR chấp nhận thay đổi tốc độ, lộ trình và một số mục tiêu để tiếp tục hướng tới tương lai", Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt viết.
Theo lãnh đạo Phát Đạt, bên cạnh kế hoạch cho 2023, doanh nghiệp cũng đã bắt đầu xây dựng lộ trình cho kế hoạch 5 năm tới đến 2027. Trong đó, chủ đầu tư này cho biết đang có sẵn nguồn dự án gối đầu với đầy đủ điều kiện pháp lý. Báo cáo thường niên ghi nhận tổng quỹ đất đến cuối 2022 là hơn 7.434 ha.
"Theo kế hoạch, trong năm 2023, PDR sẽ triển khai hơn 13.000 sản phẩm tại các thị trường đang có nhu cầu lớn như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Đà Nẵng... Các dự án này mang kỳ vọng doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng", báo cáo nêu rõ.
Để đảm bảo thanh khoản, doanh nghiệp sẽ tìm nguồn tài trợ vốn cho người mua và đưa ra nhiều hình thức thanh toán đủ hấp dẫn.
Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ cũng cho biết sẽ tập trung vào những dự án có triển vọng thị trường cao nhất, mang lại dòng tiền nhanh và hiệu quả nhất bên cạnh khả năng tác động tích cực đến thị trường. Những sản phẩm đang có đầu ra tốt, nhu cầu thị trường cao, đầy đủ điều kiện triển khai... vẫn đang được tích cực thúc đẩy.
Bên cạnh đó, nhằm giải tỏa thách thức về nguồn vốn, Phát Đạt đang hướng đến nhiều giải pháp, trong đó có tiếp cận dòng vốn ngoại. HĐQT cho hay công ty đã tiếp đón một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thực sự và tương đồng trong mục tiêu phát triển kinh doanh.
Kết thúc năm 2022, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần khoảng 1.505 tỷ đồng, giảm 60% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm gần 40%, ở mức 1.161 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng hơn 11% lên 20.552 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu cũng tăng gần 14%, đạt 9.261 tỷ đồng.
Giai đoạn cuối năm 2022 và đầu 2023, công ty này đã chi gần 900 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn và tất toán các khoản nợ vay đến hạn. Ở thời điểm 31/12/2022, tổng nợ vay còn lại của Phát Đạt về khoảng 4.440 tỷ đồng (so với mức 5.265 tỷ đồng hồi cuối quý III/2023), trong đó có khoảng 2.510 tỷ đồng là trái phiếu.
Đến nay, Phát Đạt chưa công bố các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cụ thể cho năm 2023, ngoài mức doanh thu kỳ vọng hơn 30.000 tỷ đồng được nêu trong báo cáo này.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cho thấy doanh nghiệp chỉ thu về hơn 192 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2022. Thậm chí, lãi ròng chỉ hơn 22 tỷ đồng, giảm tới 92% so với mức lợi nhuận 279 tỷ đồng vào quý I năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này cũng đã khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ hơn 229 tỷ đồng ở quý trước đó.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận hơn 930 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu giảm hơn 800 tỷ đồng (cùng kỳ dòng tiền kinh doanh âm 994 tỷ đồng).
Trong khi đó, số dư nợ vay cuối kỳ về dưới 3.500 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Theo thuyết minh, tổng nợ vay giảm chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp giảm mạnh các khoản nợ trái phiếu. Tính đến cuối tháng 3, dư nợ trái phiếu của công ty chỉ còn 1.612 tỷ đồng trong khi đầu năm ghi nhận mức 2.510 tỷ đồng.