Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đánh giá một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng thương mại điện tử, chủ yếu qua hoạt động chuyển phát, trang mạng, để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán sản phẩm hàng hóa nhập lậu.
Ngoài ra còn có các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo thương hiệu nổi tiếng, kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng…
Tình trạng này đã được cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Nhiều trường hợp vi phạm ở quy mô lớn, tính chất phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, số lượng tang vật là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị cao… xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đời sống nhân dân.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa vi phạm quy định sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Phó thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và các văn bản liên quan.
Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động như quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa... Ngoài ra, Phó thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng trái phép, vi phạm quy định qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.