Theo một số chuyên gia, danh sách này chưa hoàn toàn phản ánh được bức tranh của ngành ẩm thực Việt Nam. Sự xuất hiện của Michelin phần nào tác động đến sản phẩm du lịch ẩm thực, nhưng để phát triển loại hình du lịch này trong tương lai sẽ cần nhiều yếu tố hơn.
Sản phẩm du lịch chính
Chia sẻ tại buổi tọa đàm do Sở Du lịch TP.HCM chủ trì phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM (FBA) tổ chức sáng 15/6, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, TP.HCM xác định du lịch ẩm thực là sản phẩm chính.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đánh giá cao vai trò của ngành ẩm thực trong phát triển du lịch của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo bà Hoa, ẩm thực góp phần tạo nên sức hấp dẫn, níu chân du khách ở dài ngày, kích thích chi tiêu và đóng góp vào nguồn thu cho ngành kinh tế dịch vụ.
“Ở Việt Nam, ẩm thực là nguồn tài nguyên vô tận và không thể thiếu đối với ngành du lịch. Tại TP.HCM, tiềm năng phát triển của sản phẩm du lịch này cũng khá dồi dào”, bà Hoa nhận định.
Liên quan đến quảng bá ẩm thực trong hoạt động ngành du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong giai đoạn 2023-2024, ngành du lịch TP.HCM sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp gồm xây dựng chiến lược phát triển du lịch, xác định du lịch ẩm thực là một trong những lĩnh vực trọng tâm và đảm bảo phù hợp nền kinh tế xanh.
Thành phố sẽ tiếp tục duy trì và giữ vững chất lượng, nâng tầm hệ thống nhà hàng, quán ăn trên địa bàn để không chỉ có điểm đến ngon mà còn đạt chuẩn quốc tế về dịch vụ.
Sở Du lịch cũng đưa thông tin nhà hàng, quán ăn trong danh sách Cẩm nang Ẩm thực Michelin Guide lên tất cả kênh thông tin quảng bá du lịch đến du khách, các sự kiện quảng bá du lịch trong và ngoài nước.
Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, hiện cả nước chưa có bộ tiêu chuẩn riêng để đánh giá các nhà hàng, quán ăn. TP.HCM sẽ làm thí điểm, tiệm cận với chuẩn quốc tế để thời gian tới không chỉ dừng lại ở con số 55 nhà hàng vào danh sách Michelin, mà nhiều nhà hàng, quán ăn cũng có cơ hội được chọn.
Bộ tiêu chí đánh giá các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn theo bộ tiêu chuẩn 1-5 sao sẽ do Sở Du lịch phối hợp với Sở Công thương thành phố và ban quản lý an toàn thực phẩm thực hiện.
Không chỉ nhờ vào Michelin
TP.HCM có một nhà hàng đạt sao Michelin, một cá nhân nhận giải thưởng Michelin Service Award, 38 nhà hàng, quán ăn Michelin Selected (nhà hàng được Michelin đề xuất) và 16 nhà hàng Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng).
Theo các chuyên gia, điều này mang đến tín hiệu tích cực cho ngành du lịch thành phố, giúp tăng cường sự nhận diện cho du khách quốc tế về ẩm thực Việt và góp phần thúc đẩy du lịch ẩm thực.
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt, cho rằng đây là một cú hích với ẩm thực. Tuy nhiên, việc giữ vững và tiếp tục phát triển từ danh hiệu này mới là bài toán cần giải quyết.
Cụ thể, bà Sương lấy ví dụ về việc trong "ẩm thực," ngoài "thực" còn có "ẩm". Tuy nhiên, theo nghệ nhân, khá khó để tìm được đồ uống phù hợp với đồ ăn Việt Nam bởi món Việt có nhiều gia vị. Chính vì vậy, trong tương lai, cần có sự nghiên cứu thêm để phối phù hợp giữa đồ ăn và thức uống Việt với nhau.
Ngoài ra, để ẩm thực Việt Nam đứng vững và tiếp tục phát triển trên thị trường quốc tế thì ngoài phát huy cái vốn có, nghệ nhân cho rằng chúng ta còn nên liên tục cập nhật những xu hướng ẩm thực mới, hiện đại hơn.
Quản lý TRE Dining cũng đồng tình với ý kiến trên. Người này cho rằng sự cởi mở hội nhập quốc tế trong ẩm thực rất quan trọng. Nhiều quốc gia thành công trong việc quảng bá văn hóa thông qua ẩm thực cũng chính nhờ vào yếu tố này.
Bà Bùi Thị Sương còn bày tỏ mong muốn các ngành quản lý nên quan tâm đến việc xác định biểu tượng của ẩm thực Việt Nam, tránh để mọi thứ trở nên mờ nhạt.
Đồng quan điểm, ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho rằng ẩm thực Việt Nam vốn được thế giới đánh giá cao nhưng chưa tạo tiếng vang lớn về định hình giá trị, thương hiệu.
Để tạo được ấn tượng tốt với du khách, chất lượng nhân sự của ngành dịch vụ cũng là điều mà nhiều đơn vị cần quan tâm.
Ông Lưu Nhật Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM, nhận định ngành ẩm thực Việt Nam chủ yếu hình thành từ những cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ nên thường gặp khó trong hệ thống kiểm soát và đào tạo nhân sự.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM cho rằng thái độ có thể bù trừ kỹ năng. Ngành dịch vụ nhà hàng cần tiếp tục phát huy điểm mạnh vốn có là sự niềm nở, hiếu khách. Song, trong tương lai cũng cần có những chương trình, chính sách cụ thể để khắc phục điểm yếu về kỹ năng chuyên môn.