Đáng chú ý, ở Trung Quốc, thị trường bán lẻ qua cửa hàng được phân loại gồm các loại cửa hàng, siêu thị, đại siêu thị, trung tâm mua sắm… với đặc điểm về vị trí cửa hàng, phạm vi kinh doanh và khách hàng mục tiêu, quy mô diện tích kinh doanh, cơ cấu hàng hóa kinh doanh, phương thức bán hàng, dịch vụ kèm theo và hệ thống thông tin quản lý… đã cung cấp sự tiếp cận, sức mua cho khách hàng ở Trung Quốc luôn ở vị trí top đầu trên thế giới.
Theo đó, loại hình bán lẻ qua cửa hàng ở Trung Quốc được phân thành 3 loại gồm: Cửa hàng tạp hóa và thực phẩm truyền thống; cửa hàng tiện lợi; cửa hàng bán giá rẻ.
Đối với loại cửa hàng tạp hóa và thực phẩm truyền thống, vị trí thường được lựa chọn đặt ở trong khu dân cư hoặc khu thương mại truyền thống. Phạm vi kinh doanh có bán kính 0,3 km, chủ yếu lấy cư dân sống cố định làm khách hàng mục tiêu. Quy mô diện tích loại cửa hàng này thông thường trong khoảng 100m2. Chủ yếu bán thuốc lá, đồ uống, rượu và đồ ăn nhẹ (thực phẩm ăn lúc nghỉ ngơi). Phương thức bán hàng kết hợp cả bán trực tiếp ở quầy và tự phục vụ. Thời gian kinh doanh trên 12 tiếng/ngày.
Còn với cửa hàng tiện lợi, vị trí thường được lựa chọn đặt ở khu thương mại; trong khu vực bến xe và các điểm cạnh đường giao thông quan trọng, bệnh viện, trường học, nơi vui chơi giải trí, tòa nhà văn phòng, trạm xăng, khu hoạt động công cộng…
Phạm vi kinh doanh của loại hình cửa hàng này nhỏ, khách hàng đi bộ đến cửa hàng trong vòng 5 phút. Khách hàng mục tiêu chủ yếu là người sống độc thân; nhiều khách hàng đến vì mục đích mua hàng. Diện tích kinh doanh cũng khoảng 100m2, hiệu suất sử dụng cao. Chủ yếu bán thực phẩm ăn ngay, hàng bách hóa nhỏ lẻ; tiêu dùng tức thời, dung lượng nhỏ; số lượng mặt hàng kinh doanh khoảng 3.000, giá bán cao hơn bình quân ngoài thị trường.
Phương thức bán hàng khác với cửa hàng tạp hóa và thực phẩm truyền thống, đó là hàng trưng bày để ngỏ, chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Thời gian kinh doanh trên 16 tiếng/ngày, có thiết bị hỗ trợ để cung cấp thực phẩm ăn ngay, triển khai nhiều dịch vụ phục vụ khách hàng. Hiện, hệ thống thông tin quản lý loại hình này ở mức độ cao.
Cuối cùng là loại hình cửa hàng bán giá rẻ, được đặt ở trong khu dân cư, các điểm cạnh đường giao thông quan trọng…, khu vực có tiền thuê tương đối rẻ. Khách hàng mục tiêu chủ yếu là cư dân trong phạm vi kinh doanh có bán kính khoảng 2km. Diện tích kinh doanh rộng hơn 2 loại cửa hàng trên, thường dao động từ 300 – 500m2. Hàng hóa bán thấp hơn giá bình quân ngoài thị trường, và phần lớn là hàng mang nhãn hiệu riêng của cửa hàng. Hàng ở đây cũng trưng bày để ngỏ, bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân.
Loại hình cửa hàng này góp phần tinh giảm lao động, dịch vụ cung cấp cho khách hàng có hạn. Tuy nhiên hệ thống thông tin quản lý loại hình cửa hàng này ở mức độ thông thường.
Ngoài bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử, Trung Quốc cũng đã phát triển các phương thức bán lẻ độc đáo của riêng mình như kiểu "gạch và vữa" (tức là bán hàng trực tiếp tại cửa hiệu), đặt hàng qua ứng dụng, giao hàng tận nhà nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với sản phẩm tươi có chất lượng cao và mua sắm tiện lợi.
Các cửa hàng bán lẻ mới đi theo phương thức bán lẻ truyền thống "gạch và vữa" nhưng có nâng cấp để khách hàng có thể thanh toán qua ứng dụng di động, đặt hàng từ xa và giao hàng tận nhà, thường trong vòng 30 phút đến hai tiếng đồng hồ.
Bằng cách đóng cùng lúc nhiều vai trò vừa là cửa hàng bán lẻ truyền thống, vừa là nhà kho, vừa là nơi nhận đơn đặt hàng trực tuyến, các cửa hàng bán lẻ mới đã giải quyết hiệu quả các thách thức của "cây số cuối cùng" trong chuỗi hậu cần, vốn là hạn chế chính của phương thức thương mại điện tử thông thường đối với mặt hàng trái cây tươi.
Đối với các nhà bán lẻ không có kênh bán hàng điện tử riêng thì các cửa hàng tạp hóa và dịch vụ giao thực phẩm độc lập sẽ lấp đầy những thiếu hụt còn lại giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm trực tiếp.
Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đưa ra những tiêu chí xác định các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, phù hợp với trình độ phát triển thương mại, dịch vụ của mỗi quốc gia. Tất cả đều có quy định chặt chẽ nhưng cũng thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp đầu tư và thuận tiện cho cơ quan quản lý.