Trước những diễn biến cùng các động thái thanh lọc thị trường trong thời gian vừa qua, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, các động thái của cơ quan quản lý không phải là để thay đổi chính sách mà là để tăng cường quản lý giám sát, tăng cường xử phạt nghiêm minh, đảm bảo sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) theo đúng lộ trình và mục tiêu đã đề ra, giúp gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư và các thành viên trên thị trường.
“Các cơ quan quản lý là UBCK, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ ở mức độ tối đa đối với những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, có công bố thông tin minh bạch, sẽ vẫn tạo điều kiện tối đa cho những doanh nghiệp này được tiếp tục huy động vốn trên TTCK một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất”, ông Hải khẳng định.
Cũng theo đại diện UBCKNN, nếu theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư và công chúng đầu tư có cảm giác hành động của cơ quan quản lý là khá dồn dập. Tuy nhiên nếu nhìn một cách tổng thể thì hoạt động quản lý giám sát và xử phạt của UBCKNN cũng như cơ quan quản lý khác trong năm vừa qua vẫn được thực hiện rất đều đặn và liên tục.
Ví dụ từ giai đoạn 2015 - 2021, UBCKNN đã thực hiện gần 500 cuộc thanh tra và kiểm tra, sau đó dựa trên cơ sở các kết quả thanh tra và kiểm tra, UBCKNN đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính lên đến hơn 2.500 tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, UBCKNN cũng đã phối hợp với các cơ quan điều tra khởi tố một số dự án liên quan đến các vi phạm nghiêm trọng các quy định trên TTCK như DVD, CDO hoặc MTM…
Bên cạnh đó, ngay từ năm 2019, Luật Chứng khoán đã đưa vào rất nhiều quy định mới để tăng cường chế tài mới, các biện pháp quản lý giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK như cho UBCKNN thẩm quyền tiếp cận với dòng tiền ngân hàng, dữ liệu sao kê trên điện thoại; tăng mức độ xử phạt từ mức 1,5 tỷ đồng đối với tổ chức lên mức 3 tỷ đồng và lên mức 1,5 tỷ đối với cá nhân; tăng mức phạt từ thu lời bất chính lên 10 lần, 5 lần đối với khoản thu lời bất chính.
Có thể thấy rằng các động thái gần đây của cơ quan quản lý là hoạt động thường xuyên và liên tục từ trước đến nay. Với tư cách là thành viên của thị trường, bà Nguyễn Thị Hoạt - Phó Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đánh giá đây là hành động cần thiết của các cơ quan chức năng để giúp thị trường phát triển lâu dài.
Còn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo bà Hoạt, khi thị trường phát triển lớn về lượng nhưng chất lượng trái phiếu phát hành không đồng đều, còn nhà đầu tư cá nhân lại chỉ chú ý đến lãi suất. Nếu cơ quan quản lý không có hành động gì thì sau hai năm nữa, khi điểm rơi của nhiều trái phiếu đến hạn, có thể có những tổ chức phát hành không đủ chất lượng sẽ không trả được gốc hoặc lãi và dẫn đến đổ vỡ theo hiệu ứng domino của thị trường.
Đồng quan điểm với bà Hoạt, ông Bùi Hoàng Hải cho biết, hiện quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã lên đến 17-18% GDP và gần như đạt được mục tiêu đặt cho năm 2030. Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đặt ra rất nhiều vấn đề. Đơn cử, các tổ chức thực hiện chào bán trái phiếu riêng lẻ không cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng không đủ kinh nghiệm để nhận biết các kênh phân phối đang lách một số quy định để phân phối trái phiếu cho những nhà đầu tư không đủ điều kiện để tham gia vào thị trường này.
Do vậy những động thái gần đây của cơ quan chức năng bao gồm điều chỉnh lại cả các cơ sở khuôn khổ pháp lý đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm rất cần thiết để đảm bảo thị trường trái phiếu sẽ đi theo định hướng trong Chiến lược phát triển TTCK cũng như thị trường trái phiếu.
Song, ông Bùi Hoàng Hải cũng chỉ ra nhiều dấu hiệu lạc quan để nhà đầu tư có thể yên tâm về sự phát triển của thị trường. Thứ nhất, những số liệu về kinh tế sau quý I rất tích cực và cho thấy sự phục hồi đáng kể của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, và các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững.
Trên TTCK, đến thời điểm hết quý I, thanh khoản bình quân vẫn cao hơn thanh khoản năm 2021, khoảng 18% - 20%. Mặc dù trong bốn tuần gần đây, thanh khoản xuống thấp hơn so với số liệu quý I, nhưng nếu so với cả năm 2019, thanh khoản hiện nay vẫn cao gấp 4 lần thanh khoản năm 2019.
Về nhà đầu tư nước ngoài, tổng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ở mức 52 tỷ USD. Nếu so với các nước ở Đông Nam Á, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đang ở mức rất cao, đứng khoảng thứ 2, thứ 3. Đáng chú ý trong bốn tuần gần đây, lượng tiền của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường đang tăng.
Với những yếu tố như vậy, ông Hải cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội để phát triển.
Trong năm 2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ được Bộ Tài chính điều hành phù hợp với công tác quản lý ngân quỹ, đảm bảo nhu cầu vốn cho ngân sách với tổng khối lượng phát hành đạt trên 318 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt trên 143,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2020. Quy mô tổng tài sản của các công ty niêm yết năm 2021 đạt 12.300 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2020.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605 nghìn tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng là 31 nghìn tỷ đồng. Trong quý I/2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105,5 nghìn tỷ đồng; đồng thời, các doanh nghiệp đã chào bán trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.
Năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận quy mô nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng nhanh. Tính đến hết năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán trên 4,3 triệu tài khoản. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng với tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2021 đạt 54,9 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020.