Chị Minh Tâm, chủ shop bán trà sữa, đồ ăn vặt online tại Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên 2 năm nay cửa hàng chúng tôi đã phải chuyển hẳn sang hình thức kinh doanh các sản phẩm qua kênh online, doanh thu cũng ổn định.
Tuy nhiên tại thời điểm này, giá xăng dầu tăng cao đồng nghĩa với chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng lên. Ngoài ra, phí ship hàng cho khách cũng tăng cao hơn khiến cửa hàng lao đao. "Một tháng trở lại đây, doanh thu của cửa hàng tụt dốc không phanh vì phải chia sẻ phí ship với khách hàng" - chị Tâm nói.
Theo chia sẻ của chị Tâm, ví dụ như khách hàng đặt 1 cốc trà sữa với giá 30.000 hoặc set đồ ăn trị giá từ 200-300 nghìn đồng với khoảng cách khoảng 5-6 km như trước đây phí ship sẽ rơi vào 20-25 nghìn đồng, nhưng thời điểm hiện tại có thể lên đến 35-40 nghìn đồng.
"Nếu khách chỉ đặt 1 món đồ thì giá ship nhiều khi bằng hoặc cao hơn giá đồ ăn, mà cửa hàng thì chỉ có thể hỗ trợ khoảng 20-30% phí ship với những đơn hàng trên 200 nghìn đồng, nhưng cách làm này cũng không thể kéo dài lâu được" - chị Tâm chia sẻ.
Theo chị Tâm, các hàng quán bán ăn uống tại chỗ còn có thể bù đắp một phần nào đó từ phí ship, còn với những người kinh doanh online như chúng tôi gần như chưa tìm được giải pháp nào thích hợp.
Chị Nguyễn Thị Hạnh ở Hà Đông chia sẻ: Tôi thường xuyên mua hàng online để đỡ mất thời gian đi lại nhiều, nhưng thời gian gần đây, do chi phí tăng nên phí ship cũng tăng theo một cách chóng mặt, không chỉ phí ship giao hàng thông thường mà phí ship trên các sàn thương mại điện tử cũng tăng.
"Đơn cử như tôi đặt một đơn hàng đồ mỹ phẩm trên ứng dụng shopee, tổng đơn hàng là 300.000 đồng, trước đây phí ship nội thành sau có mã giảm giá rơi vào khoảng 10 nghìn đồng, nhưng hiện nay, phí giao hàng đã tăng đến 30 nghìn đồng sau khi đã áp dụng mã khuyến mãi" - chị Hạnh kể.
Tương tự như vậy, tôi đặt 5 suất cơm văn phòng, tổng đơn hàng là gần 200 nghìn đồng, trước đây tiền ship sẽ là 15 nghìn đồng với khoảng cách 2 km nhưng hiện tại phí ship đã lên đến 35 nghìn đồng và rất ít khi có mã khuyến mãi. “Với tình hình này, anh chị em trong phòng đã tự thân vận động, mang đồ ăn từ nhà hoặc thay nhau đi mua đồ ăn trưa để tiết kiệm phần nào chi phí” - chị Hạnh cho hay.
Chủ quán và khách hàng cùng "méo mặt" vì giá ship tăng cao, tuy nhiên trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều tài xế hãng xe công nghệ như Grab, Beamin, ShopeeFood… lại có chia sẻ rằng, họ buộc phải tắt ứng dụng (app) làm tài xế vì chạy không có lãi.
Anh Mạnh, một tài xế công nghệ Grab chia sẻ, vì giá xăng tăng trong khi đó giá cước vận chuyển không tăng là bao, chỉ vào những khung giờ cao điểm thì tài xế mới được hãng hỗ trợ thêm. Tuy nhiên vào giờ này thường tắc đường hoặc hàng quán đông nên chúng tôi muốn chạy nhiều đơn cũng khó. Do đó, đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tài xế chọn phương án tắt app, tạm nghỉ qua thời gian này để chờ xăng dầu và giá cả bình ổn hơn.