Nhưng theo hãng tin Bloomberg, động lực sâu xa cho xu hướng tăng của giá dầu nằm ở những cú sốc nguồn cung toàn cầu - điều đang làm gia tăng mối lo ngại về sự trỗi dậy của lạm phát do giá hàng hoá cơ bản.
Động thái gần đây của Mexico giảm mạnh lượng dầu xuất khẩu đang khiến cho nguồn cung dầu toàn cầu càng thắt chặt thêm, buộc các nhà máy lọc dầu ở Mỹ - nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới - phải sử dụng dầu khai thác trong nước nhiều hơn. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến nhiều lô dầu Nga mắc kẹt ngoài biển, và dầu của Venezuela có thể sẽ trở thành mục tiêu trừng phạt tiếp theo của Washington. Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào tàu chở dầu trên Biển Đỏ khiến các chuyến hàng bị chậm. Và mặc tất cả những biến động này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, thường gọi là OPEC+, vẫn duy trì việc cắt giảm sản lượng.
Các yếu tố trên dẫn tới mức độ thắt chặt nguồn cung khiến các nhà giao dịch phải ngạc nhiên, Bloomberg cho hay. Sự thắt chặt này đẩy giá dầu tăng mạnh ngay trước mùa lái xe cao điểm ở Mỹ trong những tháng mùa hè. Trong bối cảnh như vậy, giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đang đứng trước khả năng đạt mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên sau khoảng 2 năm. Điều này làm gia tăng rủi ro lạm phát bùng trở lại, làm khó các ngân hàng trung ương đúng vào lúc các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cân nhắc cắt giảm lãi suất.
Trong một cuộc trao đổi với Bloomberg. TV, nhà sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu Amrita Sen của công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, nhận định rằng “động lực tăng giá dầu lớn nhất ở thời điểm này nằm ở nguồn cung”. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều yếu tố làm suy yếu nguồn cung dầu, trong khi nhu cầu dầu toàn cầu vẫn đang mạnh”, bà Sen nói.
Quyết định gây "sóng gió" của Mexico
Xuất khẩu dầu của Mexico - một nhà cung cấp dầu lớn ở khu vực châu Mỹ - giảm 35% trong tháng 3 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019. Nguyên nhân phía sau việc Mexico giảm xuất khẩu dầu là Tổng thống Adres Manuel Lopez Obrador nỗ lực thực hiện lời hứa “cai” việc nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu - một hoạt động tiêu tốn nhiều ngoại tệ của nước này. Thay vào đó, Mexico đẩy mạnh hoạt động lọc hoá dầu trong nước, dẫn tới sử dụng dầu thô nhiều hơn. Xuất khẩu dầu thô chua của Mexico - loại dầu nặng, đặc mà nhiều nhà máy lọc dầu ở các quốc gia khác được thiết kế chuyên biệt để chế biến - đang đứng trước khả năng giảm sâu hơn do hãng dầu khí quốc doanh Pemex đã huỷ một số hợp đồng cung ứng cho các nhà máy lọc dầu ở nước khác.
Quyết định trên của Mexico đã gây “sóng gió” tại nhiều thị trường dầu trên khắp thế giới. Mars Blend, một loại dầu chua có độ đặc trung bình xuất xứ từ vùng Bờ Vịnh của Mỹ, đã tăng giá mạnh trong những ngày gần đây. Giá của dầu Mars đang có mức chênh lệch cao hơn (premiums) lớn nhất trong nhiều năm so với giá dầu thô nhẹ WTI - giá tham chiếu của thị trường dầu thô Mỹ. Thông thường, giá dầu Mars thấp hơn dầu WTI.
Hôm thứ Năm, giá dầu Brent tại London vượt 90 USD/thùng, cao nhất từ tháng 10 năm ngoái. Đà tăng duy trì trong phiên ngày thứ Sáu. Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định đến tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay giá dầu Brent có thể đạt 100 USD/thùng.
Trước khi Mexico giảm xuất khẩu dầu, thị trường đã trải qua một chuỗi gián đoạn nguồn cung ở mọi cấp độ từ nhỏ đến lớn. Hồi tháng Giêng, một đợt lạnh sâu đã làm suy giảm sản lượng khai thác dầu và lượng dầu tồn trữ ở Mỹ, vào đúng thời điểm lẽ ra phải tăng. Bởi vậy, cho tới cuối tháng 3, lượng dầu tồn trữ ở nước này vẫn thấp hơn so với mức bình quân cùng kỳ hàng năm.
Trong tháng 3, Mexico, Mỹ, Qatar và Iraq giảm xuất khẩu dầu tổng cộng hơn 1 triệu thùng/ngày - theo dữ liệu của Bloomberg. Iraq đã cam kết hạn chế sản lượng dầu để bù đắp cho việc khai thác quá mức trước đó so với hạn ngạch được phân bổ trong OPEC+.
Sự thắt chặt nguồn cung tăng thêm khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một thành viên OPEC khác, giảm 41% lượng xuất khẩu dầu thô chua có độ đặc trung bình trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái - theo công ty dữ liệu hàng hải Kpler. UAE giảm xuất khẩu loại dầu này cũng nhằm mục đích tăng nguồn cung cho các nhà máy lọc dầu trong nước, các nhà giao dịch cho hay.
Trong khi đó, thị trường dầu thô châu Âu đương đầu với sức ép tăng giá từ các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ - vấn đề khiến hàng triệu thùng dầu thô phải đi vòng quanh châu Phi, dẫn tới nhiều chuyến tàu chở dầu đến chậm nhiều tuần. Sự gián đoạn tại một đường ống dẫn dầu quan trọng ở Biển Bắc, tình trạng bất ổn ở Libya, và một đường ống bị hư hỏng ở Nam Sudan cũng góp phần thúc đẩy xu hướng tăng giá của dầu, trong khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến Nga mất khả năng tiếp cận với nhiều con tàu chở dầu vốn vận chuyển dầu Nga đến các nước nhập khẩu dầu bao gồm Ấn Độ.
Bước ngoặt của thị trường dầu?
Tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu có thể còn trở nên nghiêm trọng hơn trong những tuần tới. Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ thực hiện lời hứa hướng tới các cuộc bầu cử tự do và công bằng, đặt ra khả năng chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Caracas ngay trong tháng này, bao gồm trừng phạt ngành dầu lửa của Venezuela.
“Sự thắt chặt của thị trường dầu thô chua và triển vọng mùa lái xe cao điểm ở Mỹ cho thấy thị trường dầu đang bước vào một giai đoạn bước ngoặt”, nhà phân tích Samantha Hartke của công ty phân tích Sparta Commodities nhận xét.
Thực tế thị trường dầu hiện nay hoàn toàn trái ngược so với chỉ vài tháng trước, khi dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng do sản lượng của Mỹ tăng và xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga tăng cao hơn bất chấp lệnh trừng phạt. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã có lúc dự báo lượng dầu tồn trữ trên toàn cầu không thay đổi trong quý này, nhưng hiện tại cho rằng mức tồn trữ sẽ giảm 900.000 thùng/ngày. Con số này tương đương với sản lượng dầu của Oman.
Một điều đáng nói là nguồn cung bị siết chặt đúng vào lúc nhu cầu tăng lên. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang chuẩn bị tăng cường sản xuất nhiên liệu cho mùa hè, khi hàng triệu người Mỹ đổ đi du lịch và mức tiêu thụ xăng ở nước này lên đến đỉnh điểm. Các kho dự trữ xăng ở vùng Bờ Đông đông dân của Mỹ đang giảm, trong khi hoạt động sản xuất ở Mỹ và Trung Quốc cũng đang báo hiệu sự gia tăng sử dụng nhiên liệu. Ở châu Á, biên lợi nhuận của các nhà lọc dầu đang cao hơn khoảng 50% so với mức trung bình theo mùa trong 5 năm trở lại đây - một dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang mạnh.
Giá dầu thô tăng mạnh đang cản trở nỗ lực làm đầy dự trữ dầu lửa chiến lược của chính quyền ông Biden, sau khi dự trữ này giảm xuống mức thấp nhất 4 năm do tác động của chiến tranh Nga-Ukraine. Giá dầu tăng cũng đặt ra khả năng lạm phát ở Mỹ dai dẳng ở mức cao hơn so với mục tiêu, thậm chí là “bốc đầu” trở lại. Đây là một thách thức đối với ông Biden trong chiến dịch tái tranh cử. Giá xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ hiện ở mức 3,6 USD/gallon và có khả năng sẽ tăng tới 4 USD/gallon - một ngưỡng tâm lý quan trọng.
Theo chiến lược gia Vikas Dwivedi của công ty Macquarie Group, giá dầu tăng mạnh có thể sẽ khiến OPEC+ thu hẹp mức độ cắt giảm sản lượng. Ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng giá dầu vượt xa mốc 90 USD/thùng có thể sẽ gây suy yếu nhu cầu, rốt cục khiến giá giảm trở lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy điều đó xảy ra.
“Đây rõ ràng là một thị trường đang chịu sự chi phối của các yếu tố nền tảng. Tôi nghĩ, khả năng giá dầu đạt 100 USD/thùng là hoàn toàn có thực, chỉ cần có thêm một chút rủi ro địa chính trị”, nhà sáng lập Bob McNally của công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group nhận định.