Đà tăng đột biến của chỉ số chiều nay có được là nhờ sự cộng hưởng của các trụ. Phiên sáng trong Top 10 vốn hóa chỉ có VCB, FPT là mạnh, số còn lại tăng rất kém hoặc tham chiếu. Chiều nay thêm một loạt trụ khác theo đà bùng nổ.
BID – cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường sau VCB - phiên chiều tăng thêm 1% so với buổi sáng, đóng cửa trên tham chiếu 1,15%; CTG – cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 3 – chiều nay tăng thêm 1,88%, chốt tăng 1,88%; GAS tăng thêm 1,02%, chung cuộc tăng 1,41%; VIC tăng thêm 1,69%, chốt tăng 1,93%; VPB tăng thêm 1,87%, chốt tăng 2,7%... Không chỉ các trụ mới này mạnh lên, HPG, FPT, TCB, MBB, MSN cũng mạnh lên trông thấy. Duy nhất VCB là không tăng thêm được, đóng cửa vẫn chỉ +1,69% tương đương giá chốt buổi sáng. GVR thậm chí tụt nhẹ 0,16% chiều nay, còn tăng 2,22% so với tham chiếu.
Thống kê với rổ VN30, chỉ có GVR và VJC là tụt giá nhẹ so với buổi sáng, VCB, POW đứng im, còn lại đều tăng. Tới 19 mã tăng thêm hơn 1% chỉ riêng buổi chiều. Có được diễn biến tốt như vậy là do dòng tiền đã dồn vào VN30 hơn hẳn: Phiên chiều rổ này thanh khoản 4.930 tỷ đồng, tăng gấp đôi phiên sáng. Trong khi đó tính chung toàn sàn HoSE lại chỉ tăng khoảng 5% so với phiên sáng.
Nhờ động lực của cả nhóm vốn hóa hàng đầu, VN-Index riêng chiều nay tăng thêm 12,5 điểm nữa, tức là gần gấp đôi mức tăng buổi sáng, đóng cửa đạt 1.270,51 điểm. Mức đóng cửa cao nhất trong lần vượt đỉnh tuần trước là 1.269,98 điểm ngày 5/3/2024, nghĩa là hôm nay chỉ số còn cao hơn cả đỉnh cũ. Tuy nhiên tính về biên độ thì phiên hôm nay cũng chỉ là đưa VN-Index quay lại vùng đỉnh, vì đỉnh dao động cao nhất chỉ số đạt được là 1.277,51 điểm của ngày 6/3 trước khi quay đầu lao dốc.
Tính chung cả hai sàn niêm yết, giá trị khớp lệnh chiều nay không tăng bao nhiêu, chỉ đạt gần 13.299 tỷ đồng, cao hơn buổi sáng 6,6%. Do vậy cũng không hẳn là dòng tiền cực lớn tham gia, nhưng cách mua lại cực kỳ hưng phấn. Nhà đầu tư chấp nhận đối diện lượng cổ phiếu lớn về tài khoản buổi chiều và đặt giá cao liên tục, nhờ đó đẩy biên độ giá lên thêm. VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất ngày và độ rộng đạt 433 mã tăng/64 mã giảm, trong khi chốt phiên sáng là 314 mã tăng/128 mã giảm. Số tăng trên 1% lúc đóng cửa là 195 mã trong khi cuối phiên sáng là 132 mã.
17 mã trên HoSE đóng cửa ở giá kịch trần, trong đó nhiều mã thanh khoản rất tốt như DGC với 477,2 tỷ đồng, GIL với 111,4 tỷ, CTD với 352,2 tỷ, VIX với 729,7 tỷ, VTP với 214 tỷ, VGC với 257,5 tỷ, ORS với 201,4 tỷ, VCI với 677,3 tỷ. Trong gần 80 cổ phiếu tăng vượt 3% ở sàn này, có 27 mã thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên, dẫn đầu là SSI với 1.334,3 tỷ đồng, giá tăng 4,55%. Ngay kế tiếp là 3 mã nhóm chứng khoán khác là VND, VIX và VCI.
Dù chiều nay thanh khoản không có gì đột biến nhưng tính chung cả ngày, giao dịch khớp lệnh 2 sàn vẫn đạt 25.776 tỷ đồng, tăng 21% so với hôm qua và chỉ còn thấp hơn mức trung bình tuần trước khoảng 6%. Nói cách khác, dòng tiền đã quay lại mạnh mẽ hôm nay. Dù vậy nếu tính theo khối lượng thì phiên này lượng giao dịch giảm khoảng 2% so với phiên T+2 trước đó.
Khối ngoại là bên đi ngược dòng chiều nay, tăng mạnh bán ra. Trên HoSE, khối này xả thêm gần 1.614 tỷ đồng giá trị cổ phiếu nữa, tương ứng bán ròng 304,8 tỷ đồng. Phiên sáng khối này đã bán ròng 155,7 tỷ. VNM bị bán nhiều nhất -242,7 tỷ đồng và VHM với 121 tỷ đồng. Loạt mã bị bán ròng từ 30 tới 50 tỷ là GEX, VND, VCB, VCG, KBC, SAB, SBT, MSN. Phía mua có MWG +68,4 tỷ, HPG +31,6 tỷ, DPM +31,1 tỷ, DCM +41,8 tỷ.