Đây là chia sẻ của Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 3/4.
Cụ thể, Phó thống đốc NHNN cho biết thị trường ngoại tệ quý I đã ghi nhận những áp lực nhất định, ảnh hưởng tới Đồng Việt Nam cũng như tỷ giá USD/VND.
Một số nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá thời gian qua vẫn là chính sách tiền tệ thắt chặt của các nền kinh tế lớn trên thế giới tác động tới thị trường trong nước, bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu...
“Đầu năm 2024, tỷ giá USD/VND nóng thêm và đây cũng là một trong những vấn đề NHNN rất quan tâm, tập trung điều hành”, ông Tú nói.
Chỉ ra lý do chính khiến tỷ giá USD/VND gặp áp lực thời gian qua, Phó thống đốc NHNN cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện vẫn chưa đưa ra chính sách giảm lãi suất cụ thể.
Bên cạnh đó, cũng có một số bất cập liên quan việc chênh lệch lãi suất âm giữa Đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng. Hiện lãi suất cho vay VND thấp hơn lãi suất cho vay USD trên kênh liên ngân hàng.
“Điều này đã tạo áp lực làm tỷ giá nóng hơn”, ông Tú nói và cho biết thêm trong 3 tháng đầu năm nay, nhập khẩu cũng tương đối tích cực nên nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp cho hoạt động nhập khẩu nhiều hơn.
Tuy vậy, lãnh đạo NHNN cho rằng với các chính sách điều hành đã được đưa ra, hiện tỷ giá USD/VND vẫn duy trì sự ổn định, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Thị trường ngoại tệ, chứng khoán, các cân đối chung, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người dân vẫn được đáp ứng đủ”, Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông cho rằng tỷ lệ mất giá của Đồng Việt Nam so với các đồng tiền tệ khác tương đối thấp. Trong năm 2023, VND mất giá khoảng 2,9%, hiện nay trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2,6%.
Đây vẫn là mức tăng thấp nếu so với đà mất giá của một số ngoại tệ khác như nhân dân tệ Trung Quốc mất giá so với USD khoảng 1,74%; bath Thái mất giá khoảng 5,93%; won Hàn Quốc khoảng 3,88%; và yen Nhật khoảng 7,52%...
“Đây là những nước lớn nhưng cũng gặp áp lực tỷ giá so với USD do chính sách của Fed”, ông Tú nói.
Khẳng định lại tỷ giá là một trong những mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng của NHNN, Phó thống đốc Tú cho biết tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến sức mua của Đồng Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới chính sách kinh tế trong nước, đặc biệt là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tâm lý thị trường, niềm tin nhà đầu tư.
Do đó, NHNN luôn coi ổn định tỷ giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá USD/VND lên xuống phù hợp xu thế chung, đồng thời vẫn đảm bảo được các mục tiêu đề ra là ổn định vĩ mô, sức mua đồng nội tệ, hài hòa trạng thái ngoại tệ, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
“Muốn làm được điều này thì ngoài các công cụ chính sách tiền tệ, cũng cần các cơ quan truyền thông hỗ trợ, tạo niềm tin cho thị trường, tránh tâm lý găm giữ USD của người dân, doanh nghiệp. Trong trường hợp cuối cùng, nếu cần thiết, NHNN vẫn có thể can thiệp thị trường thông qua việc bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.